Xã hội

Tiếp khách tiền tỷ và lối tiêu xài 'sang chảnh'

Chi phí tiếp khách của một nhân viên hành chính đã đến gần tỷ đồng, thì lên cao hơn con số còn đến mức nào?

Không phải vô cớ mà một gia đình có thể bỏ ra hàng nhiều trăm triệu đồng chỉ để "chạy" cho con em mình một "chân" nhà nước mặc cho lương thấp, không đủ bù chi phí sinh hoạt trong thời bão giá này.

Bởi vào nhà nước gần như là một kim bài miễn sa thải. Ở đó, luôn cung cấp một chỗ ngồi ổn định và an nhàn. Và nếu có cơ may, tùy theo vị trí sẽ được "đền đáp" bằng nhiều thứ, kể cả việc dùng "của chùa".

Muôn kiểu "xài chùa"

Đã có thời, cứ sếp mới lên là chuyện thay xe cho sếp sẽ được thực hiện, dù cơ quan cũng đang có xe tốt hoặc chưa hết thời gian khấu hao theo quy định. Chúng ta biết rằng, việc quyết định dừng mua sắm xe công vụ trong năm 2014 đã giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng, cho thấy một lượng ngân sách không nhỏ đã bị phung phí chỉ vào phương tiện di chuyển.

Và bất chấp lệnh cấm, "xe chùa" vẫn tràn lan tại các đền chùa, lễ hội, đám cưới..., thậm chí cả trong giờ hành chính như thách thức pháp luật và công luận. Nhiều xe còn dùng biển xanh như một quyền ưu tiên trong xếp hàng, đậu đỗ hoặc miễn phí mua vé. Xe công làm việc tư như vậy, nhưng truyền thông đăng tải đôi khi chỉ "rón rén" nói của tỉnh, thành phố XYZ, nhiều báo đưa hình còn làm mờ phần biển số.

Cái sự đi nước ngoài có lẽ là ngốn nhiều "tiền chùa" nhất. Theo ước tính, mỗi ngày có hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, có vấn đề đoàn VN này vừa hỏi, thời gian ngắn sau đoàn khác sang vẫn hỏi câu tương tự. Con số khủng khiếp kia cho thấy thực tế đi nước ngoài như đi chợ của các cán bộ, nhưng kinh nghiệm chúng ta học hỏi, thu thập được là gì, sao ít thấy triển khai, phổ biến và nhân rộng, hay chỉ tranh thủ đi du lịch và săn hàng giảm giá.

Khôi hài hơn, một tỉnh ủy viên, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh, là bị can liên quan đến một vụ án "siêu lừa" vẫn ung dung đi du lịch nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, do quyết định của Viện KSNDTC được phê chuẩn sau quyết định tham quan do Tỉnh ủy tổ chức!

Du học theo các đề án phát triển nguồn nhân lực cũng là một cách dùng tiền chùa "sang chảnh" và là mục tiêu của nhiều người săn học bổng từ... ngân sách nhà nước. Nó có sức hấp dẫn đặc biệt và ma mị đến mức một cựu Bộ trưởng đã về hưu cũng "bon chen" xin đi nâng cao trình độ tại Anh.

Nhiều cơ quan nhà nước và đơn vị chủ quản đã thể hiện sự bất lực trong quản lý nguồn tài nguyên này, khi phần lớn người đi học đều có tâm lý tìm kiếm cơ hội định cư hoặc làm việc ở môi trường với các chế độ đãi ngộ cao hơn sau khi tốt nghiệp. Không những đang bị chảy máu chất xám, mà một nguồn kinh phí không nhỏ đã duyệt chi cho những đề án này cũng khó có khả năng thu hồi. UBND thành phố nọ từng "dọa" khởi kiện vài du học sinh, nhưng rồi sự việc cũng đang chìm vào im lặng.

"Có một sự xài tiền chùa không hề nhẹ" nữa cũng đang diễn ra rất thường xuyên và phổ biến trong cơ quan nhà nước đó là thời gian. Nếu trong các doanh nghiệp, thời gian thực sự là tiền bạc, đôi khi người lao động phải chạy đua với thời gian, thì ở đây, thời gian có lẽ chẳng mang ý nghĩa gì.

Những "tỷ phú thời gian" này gần như ngày nào cũng phải đi muộn, về sớm, đó còn chưa kể ăn sáng, café, trà đá chém gió, shopping, làm đẹp, chơi thể thao, đưa đón con... mới tiêu tốn hết tám tiếng công sở. Và tất cả các công việc cá nhân đó đều được tính là thời giờ làm việc, và hưởng lương từ ngân sách nhà nước!

"Của chùa, không xài thì thiệt!"

Mới đây, thông tin từ báo chí cho hay, chi phí tiếp khách (3 lần) của một nhân viên hành chính công ty Xổ số kiến thiết Hậu Giang đã lên đến gần 1 tỷ đồng. Công luận hẳn phải đặt câu hỏi: Vậy cao hơn thì con số sẽ là bao nhiêu? Vài tờ hóa đơn bị phát hiện và công khai chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ, nhưng cũng đủ báo động về mức độ chi tiêu vô tội vạ đang diễn ra trong cơ quan nhà nước.

Tâm lý "của công là của chùa" đã ăn sâu bám rễ vào trong suy nghĩ của phần lớn công chức. Mà đã là của chùa, "không xài thì thiệt!".

Công chức luôn kêu ca lương thấp, không đủ tái sản xuất sức lao động. Nhưng công bằng mà tính, nếu xét trên thời gian làm việc thực tế thì có khi thu nhập của công chức lại thuộc diện cao của xã hội. Đó là chưa kể các "giá trị gia tăng" khác mà cái ghế này mang lại cho nhiều người, như bổng lộc, cơ hội, kể cả việc xài "của chùa".

Lâu nay, ngân sách nhà nước thường được ví như mâm xôi để giữa làng, ai đi qua cũng có thể véo một miếng. Chúng ta đang tinh giảm biên chế và tăng nguồn thu ngân sách, chứng tỏ chúng ta đang thừa công chức và thiếu tiền. Nhưng công chức của chúng ta vẫn tiêu tiền như thể ngân sách là một nồi cơm Thạch Sanh vậy.

Một bộ máy hành chính vận hành hiệu quả phải tích hợp nhiều yếu tố, trong đó quan điểm "xài chùa" cần phải được hạn chế và loại bỏ dần bằng các chế tài mạnh mẽ hơn. Nhưng hơn hết, chẳng ai có thể kiểm tra, giám sát nhất cử nhất động của công chức nếu như họ, những người công chức có tự trọng, không tự giám sát hành động của chính mình.

 

Theo VietNamNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo