Thị trường

Tiếp thêm động lực thoát nghèo

Xác định các giao dịch của NHCSXH chủ yếu được thực hiện tại điểm giao dịch xã nên ngân hàng đã chỉ đạo các đơn vị lấy hoạt động giao dịch xã làm trung tâm, chú trọng nâng cao chất lượng, thực hiện kiểm tra, đánh giá, chấm điểm hoạt động theo các tiêu chí NHCSXH Việt Nam xây dựng.

Đổi đời từ vốn ưu đãi

Theo ước tính bình quân mỗi năm Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Nam Định giải ngân cho khoảng 40 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Với 9 chương trình tín dụng chính sách triển khai trên địa bàn tỉnh, đến nay NHCSXH Nam Định đạt tổng dư nợ 2.533,6 tỷ đồng với 112.825 khách hàng dư nợ, chiếm tỷ lệ 19% tổng số hộ dân trên địa bàn. Nguồn vốn ưu đãi đã mang nhiều ý nghĩa, tiếp thêm động lực thoát nghèo với người dân thuộc một tỉnh đồng bằng Sông Hồng.

Cán bộ NHCSXH Chi nhánh Nam Định luôn tận tâm, tận tụy với các hộ vay vốn (Ảnh: Trần Giáp).

Đơn cử như hộ bà Mai Thị Lý, khu Đông Bình, thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định từng thuộc diện hộ nghèo của thị trấn nhưng đến nay đã trở thành diện hộ khá giả. Bà Lý nhớ lại: Hồi năm 2006 đất sản xuất của gia đình rất ít, lại không có vốn để xoay xở làm ăn, nuôi thêm hai con nhỏ ăn học và mẹ già 90 tuổi nên cuộc sống rất khó khăn.

“Thông qua cuộc họp Hội Phụ nữ thị trấn thời ấy, tôi được biết NHCSXH đang cho vay những đối tượng hộ nghèo. Tôi về bàn với chồng làm đơn xin vay vốn, được tổ Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của khu phố, Hội Nông dân thị trấn bình xét và NHCSXH huyện Nghĩa Hưng tạo điều kiện cho vay chương trình hộ nghèo với số tiền 25 triệu đồng, để góp vốn cùng các chị em nuôi cá Mú lấy tiền nuôi con ăn học” - bà Lý nghẹn ngào kể lại.

Bên cạnh nguồn vốn cho vay hộ nghèo, chương trình tín dụng học sinh – sinh viên (HSSV) cũng mang đến niềm vui cho gia đình bà Lý. Bởi năm 2007 con trai của gia đình bà Lý đỗ vào Đại học Giao thông Vận tải và đến năm 2010 tiếp tục cô con gái đỗ vào Đại học Đà Lạt và cả hai cháu đều được NHCSXH cho vay chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Trong suốt quá trình học tại trường đại học của hai cháu, gia đình bà Lý đã được vay gần 80 triệu đồng, đỡ một phần gánh nặng cho gia đình. Đến nay, cả hai người con của gia đình bà Lý đều ra trường có công ăn việc làm.

Năm 2016 gia đình bà Lý chính thức đã thoát nghèo. Tuy nhiên, theo nhu cầu phát triển chăn nuôi vươn lên làm giàu, gia đình mới thoát nghèo lại được NHCSXH tạo điều kiện cho vay số tiền 40 triệu đồng để góp vốn đầu tư vào trang trại chăn nuôi lợn sinh sản và nuôi cá Mú.
“Giờ đây cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn nhiều, đã trả được một phần số tiền gốc vay chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn, sửa sang được nhà cửa, sắm sửa nhiều tiện nghi sinh hoạt tối thiểu để phục vụ cuộc sống gia đình. Hàng tháng, ngoài việc trả lãi tiền vay cho ngân hàng, gia đình tôi đã dành dụm để gửi tiết kiệm thông qua tổ TK&VV mỗi tháng 30 đến 50 ngàn đồng. Tôi nghĩ, nếu không có nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH từ ngày đầu, rồi đồng hành cùng gia đình tôi trong hơn chục năm trời chăn nuôi, hỗ trợ các con tôi trong suốt những năm học đại học, tôi không dám nghĩ có được cuộc sống như ngày hôm nay” – bà Lý tâm sự.

Theo bà Lý chỉ có trải qua quá trình thoát nghèo mới thấy chính sách cho vay ưu đãi của Đảng, Nhà nước mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đặc biệt sự tận tâm của các cán bộ NHCSXH, hội đoàn thể các cấp đã giúp cho gia đình tôi nói riêng và các hộ dân nghèo nói chung có vốn, có kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh, thoát khỏi nghèo khó, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.  

 

Có thể khẳng định những hộ gia đình thoát nghèo như gia đình bà Mai Thị Lý ở tỉnh Nam Định ngày càng nhiều thêm. Bởi theo báo cáo của các ngành chức năng tỉnh, thì từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã có 602.144 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó 81.462 hộ đã thoát khỏi ngưỡng nghèo, cận nghèo, tạo việc làm cho 49.924 lao động, hỗ trợ chi phí cho 2.372 lao động đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài, 110.340 HSSV con hộ nghèo, cận nghèo, hộ có khó khăn về tài chính có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Luôn chú trọng chất lượng tín dụng

Không chỉ giúp dân thoát nghèo mà chất lượng nguồn vốn vẫn luôn phải đảm bảo. Bà Phạm Thị Tuyết – Giám đốc NHCSXH Nam Định cho biết: cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách ở Nam Định cũng không ngừng được củng cố và nâng cao. Chi nhánh cùng các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền các cấp đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý nợ xấu tồn đọng, tích cực thu hồi nợ đến hạn phân kỳ, kỳ cuối, hạn chế tối đa nợ quá hạn phát sinh, tập trung nâng cao chất lượng khi cho vay và quản lý chặt chẽ nợ, tích cực thu lãi tháng và giảm lãi tồn đọng do vậy chất lượng tín dụng có nhiều chuyển biến tích cực.

Nguồn vốn ưu đãi đã giúp người dân duy trì phát triển nghề tre cuốn mỹ nghệ ở huyện Ý Yên – Nam Định (Ảnh: Trần Giáp).

Xác định các giao dịch của NHCSXH chủ yếu được thực hiện tại điểm giao dịch xã nên ngân hàng đã chỉ đạo các đơn vị lấy hoạt động giao dịch xã làm trung tâm, chú trọng nâng cao chất lượng, thực hiện kiểm tra, đánh giá, chấm điểm hoạt động theo các tiêu chí NHCSXH Việt Nam xây dựng.

Với sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, 218 Điểm giao dịch xã của Chi nhánh luôn hoạt động nề nếp, hiệu quả, cán bộ NHCSXH tại các điểm giao dịch xã luôn tận tình, chu đáo giúp Tổ trưởng, các hộ vay làm thủ tục vay vốn, trả nợ, trả lãi nhanh, gọn. Ngoài ra thông qua các phiên giao dịch, NHCSXH tổ chức họp giao ban với các đơn vị nhận ủy thác cấp xã và Tổ TK&VV, Chủ tịch UBND xã tham dự và chỉ đạo, mọi vướng mắc phát sinh được giải quyết tháo gỡ kịp thời. Do vậy, hoạt động của Điểm giao dịch xã được nhân dân, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, ban ngành đánh giá cao. Trong năm, tỷ lệ giải ngân, thu nợ tại điểm giao dịch xã đạt trên 90%, tỷ lệ thu lãi, tiết kiệm của tổ viên đạt 100%.

 

Để hoạt động của NHCSXH thêm hiệu quả, ông Trần Lê Đoài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Nam Định khẳng định, thời gian tới NHCSXH tiếp tục tham mưu HĐND, UBND cùng cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng để nâng cao chất lượng tín dụng với sự vào cuộc thực sự của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là việc dành một phần ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Trước mắt, phấn đấu đạt chỉ tiêu NHCSXH Trung ương giao tăng năm 2018 là 10 tỷ đồng.

Khi có vốn NHCSXH Nam Định đã phân bổ kịp thời cho các huyện, thành phố theo chỉ tiêu được Trung ương thông báo, ưu tiên cho những nơi có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao.

Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của từng thành viên Ban đại diện HĐQT trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, chỉ đạo các cấp chính quyền, hội đoàn thể các cấp phối hợp với NHCSXH triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách, nâng cao chất lượng tín dụng. Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của các thành viên Ban đại diện HĐQT tỉnh, huyện, thành phố phấn đấu Ban đại diện tỉnh kiểm tra xong trước 30/6, Ban đại diện cấp huyện xong trước 30/9 và chỉ đạo các đơn vị chỉnh sửa những tồn tại, sai sót ngay trong năm.

Các thành viên Ban đại diện là Chủ tịch UBND cấp xã phải thực hiện tốt các nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng ban trong việc quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách tín dụng tại địa bàn đạt chất lượng, hiệu quả cao; tham gia giao ban với NHCSXH hàng tháng vào ngày giao dịch để chỉ đạo triển khai hoạt động tín dụng chính sách tháng tiếp theo, đảm bảo nguồn vốn đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Nên đọc
Theo Thời báo Ngân hàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo