Pháp luật

Tiếp tục đề nghị truy tố Phạm Công Danh và đồng phạm

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây hậu quả nghiêm trọng tại 4 ngân hàng.

Hôm qua 10/7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB), nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm về hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và VNCB, theo tin tức trên báo Thanh niên. 

Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa ngày 9/9/2016. Ảnh Tuổi trẻ. 

Trước đó, trong quá trình điều tra vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội cố ý làm trái và vi phạm quy định cho vay, ngày 11/3/2016, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định tách vụ án hình sự nội dung liên quan đến sai phạm xảy ra tại 3 ngân hàng trên để tiến hành điều tra riêng.

Liên quan vụ án này, các bị can gồm: Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB - chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB - chi nhánh Lam Giang), Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB - chi nhánh Sài Gòn),

Nguyễn Quốc Viễn (nguyên Trưởng ban Kiểm soát VNCB), Phan Minh Tùng (nguyên phụ trách kế toán hành chính Tập đoàn Thiên Thanh) và 18 bị can nguyên lãnh đạo của 18 công ty sân sau của ông Danh bị đề nghị truy tố về cùng tội cố ý làm trái.

Kết luận bổ sung xác định, Phạm Công Danh - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (bị kết án 30 năm tù) và bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Đại Tín tại ngân hàng Xây dựng) đã giúp sức cho Hà Văn Thắm làm thất thoát của Oceanbank hàng trăm tỷ đồng, báo Vnmedia đưa tin.

Theo đó, năm 2012, Thắm đồng ý mua lại 84,9% cổ phần ngân hàng Đại Tín từ nhóm bà Phấn với giá hơn 4,4 tỷ đồng nhưng phải trả nợ giúp nhóm này hơn 3.500 tỷ đồng. Sau đó, Thắm nhận thấy Đại Tín có nhiều vấn đề không giải quyết được nên bán lại cho Phạm Công Danh với giá 800 tỷ đồng.

 

Để Danh đồng ý, Thắm cho bị án này vay 500 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là Cty Trung Dung của Danh và tài sản của bà Phấn. Số tiền này Danh dùng tất toán 5 hợp đồng mà bà Phấn nhờ đứng tên. 

Việc này gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 343 tỷ đồng (chưa tính hơn 200 tỷ đồng tiền lãi). Vì vậy, Danh và bà Phấn cùng Trần Văn Bình (Giám đốc Cty Trung Dung) bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. 

Tổng cộng, số bị can trong vụ án tăng từ 48 lên 52 người. Do hết thời hiệu, một số hành vi liên quan trong vụ án được cơ quan điều tra tách ra xử lý ở giai đoạn hai.

Có 404 tổ chức kinh tế  và hơn 51 nghìn cá nhân nhận tiền lãi ngoài từ Oceanbank. Riêng 8 khách hàng lớn đã có nợ gốc gần 1.800 tỷ đồng (nợ xấu nhóm 5). Tuy nhiên, công an chỉ xác định được 396 tổ chức, 105 cá nhân và chỉ có 103 tổ chức, 2 cá nhân nộp lại số tiền chưa đến 29 tỷ đồng.

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Thanh niên, Vnmedia)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo