Tiếp tục “ghìm cương” tỷ giá
Theo cam kết giữ biên độ tỷ giá 2% trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước còn quota tăng tỷ giá 1%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ không có quyết định điều chỉnh tỷ giá trong tháng này. 41
Tỷ giá khó điều chỉnh trong tháng 4
Trước thực tế tỷ giá VND/USD trong khoảng một tháng trở lại đây đã tăng mạnh sát trần, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á cho rằng, ngoài tâm lý, nhập khẩu thời gian gần đây tăng lên cũng khiến nhu cầu ngoại tệ tăng theo. “Hiện nay, khi kinh tế có dấu hiệu khả quan, nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị đã tăng lên từ 5-6%”, ông Kiêm nói.
Dù tỷ giá VND/USD đang nới rộng, nhưng TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, dựa trên tác động tới xuất nhập khẩu, trên chỉ số lạm phát và tình hình trả nợ công bằng ngoại tệ của Việt Nam, trong năm nay, khả năng NHNN vẫn giữ nguyên cam kết không phá giá VND quá 2%. “Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có đủ nguồn lực để giữ được cam kết ấy. Tới cuối năm nay, thặng dư của Việt Nam có thể ở mức 4-5 tỷ đô la, dự trữ ngoại tệ đủ sức để can thiệp”, TS. Thành giải thích.
Theo ông Thành, đầu năm, NHNN đã điều chỉnh 1% tỷ giá. Do vậy, cơ quan này hoàn toàn có thể sử dụng nốt quota 1% còn lại từ nay tới cuối năm, nhưng vào thời điểm các sức ép lên tỷ giá không quá căng. Thời điểm điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ phải gắn với chu kỳ kinh doanh và xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực của Việt Nam cùng với việc công bố thông tin về thương mại, về dòng tiền thật minh bạch để doanh nghiệp và người dân tin tưởng vào cam kết và thực hiện cam kết của NHNN. Như vậy, tỷ giá sẽ khó điều chỉnh trong tháng 4 này.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cũng dự đoán, NHNN sẽ giữ tỷ giá chỉ điều chỉnh ở mức tối đa 2% năm 2015 như cam kết. “Nếu USD tăng giá trên thế giới và quá bất lợi cho xuất khẩu thì cũng phải tính đến việc điều chỉnh. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, tôi ủng hộ NHNN chưa nên điều chỉnh tỷ giá”, ông Hiếu nói.
Doanh nghiệp tăng chi
Chị Nga, phụ trách quản lý tài chính nhập khẩu của một công ty phân bón lớn tại Hà Nội cho biết, cách đây hơn một tháng, công ty vẫn mua được USD từ ngân hàng quanh mức 21.300 đồng/USD. Nhưng từ giữa tháng 3 đến nay, giá USD tăng liên tục khiến giá hàng nhập vào của công ty tăng lên đáng kể. Đơn cử như ngày 14/4, tỷ giá niêm yết tại Eximbank là 21.635 đồng/USD bán ra, tăng so với trước tới 335 đồng/USD. Với tỷ giá này, mỗi tấn hàng nhập về sẽ phải đội thêm khoảng 1,8 triệu đồng. Trong khi đó, mỗi tháng công ty nhập cả vài nghìn tấn hàng thì chi phí đội lên tới mấy tỷ đồng, nếu tỷ giá tiếp tục tăng thì chi phí đội thêm không chỉ dừng lại ở con số này.
“Nếu tăng giá bán thì các đại lý sẽ khó khăn trong khâu tiêu thụ bởi khách hàng chủ yếu là nông dân. Còn nếu không tăng giá thì doanh thu của công ty sẽ sụt giảm”, chị Nga nói.
Anh Lưu Minh Thành, Giám đốc Công ty phân phối các giải pháp phần mềm CAD/CAM/CAE/3D/CNC và PLM cho các tập đoàn nước ngoài cho biết, gần đây công ty anh thường xuyên thực hiện các thương vụ mua đứt bán đoạn (mua của đối tác nước ngoài và sau đó bán lại cho các doanh nghiệp trong nước). “Nếu tỷ giá cứ giữ ở mức như hiện nay thì doanh thu năm nay của công ty có thể giảm khoảng 20%-30%”, anh Thành nói.
Theo TS. Võ Trí Thành, việc NHNN không nới room tỷ giá, có sự xuất phát từ tâm lý đầu cơ ngoại tệ. Bởi đối với giới đầu cơ, găm giữ mà chắc chắn có lời thì họ càng giữ chặt. Nhưng ông Thành khuyến nghị, nếu NHNN có điều chỉnh tỷ giá và với mức điều chỉnh như trong cam kết thì giữ VND vẫn có lợi hơn USD, vì lãi suất đồng USD rất thấp mà nếu có điều chỉnh thì cũng chỉ trong quota 1% còn lại.
Theo Giao thông
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo