Thị trường

Tiếp tục hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá ngừ bán sang Nhật

Công ty Kato Hitoshi General Office và các chuyên gia thủy sản Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngư dân Bình Định.

Các chuyên gia thủy sản Nhật Bản kiểm tra chất lượng cá ngừ đại dương Bình Định trước khi đóng gói xuất sang Nhật.

Hơn hai tháng sau khi lô hàng đầu tiên gồm mười con cá ngừ đại đương xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, ngư dân Bình Định vẫn chưa thật sự mặn mà bởi quy trình đánh bắt, xử lý, bảo quản khắt khe nhưng lợi nhuận mang lại chưa hấp dẫn.

“Vạn sự khởi đầu nan, tỉnh và các ngành chức năng cùng Hội hữu nghị Nhật - Việt đang tìm mọi cách để giúp ngư dân. Giá lô cá đầu tiên dù chưa lãi như mong muốn nhưng hứa hẹn một thị trường ổn định lâu dài, và chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng ngư dân để bà con quen dần với phương thức đánh bắt hiện đại” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc nói.

Theo ngư dân xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), quy trình đánh bắt, xử lý cá ngừ trên boong của phía Nhật đưa ra là rất chuyên nghiệp, bài bản, chặt chẽ. Tuy nhiên ngư dân La Tình - người có bốn tàu tham gia chương trình đánh bắt kiểu Nhật - vẫn than thở giá bán bên Nhật vừa rồi chưa hấp dẫn.

Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) mua cá của ngư dân cao hơn 20% giá thị trường hiện tại nhưng giá bán ở Nhật bình quân 240.000 đồng/kg. Tốn thêm tiền chi phí vận chuyển máy bay, phí lưu kho và thuế, chắc chắn Bidifisco cũng không còn lời lãi bao nhiêu.

Giám đốc Bidifisco Cao Thị Kim Lan vẫn lạc quan cho rằng dù thực chất chưa có lợi nhuận, nhưng cơ hội này là một cánh cửa mở ra thị trường Nhật Bản.

Không thể một mực căn cứ giá lô hàng mười con cá ngừ đầu tiên bán tại Trung tâm đấu giá cá ngừ ở Osaka để khẳng định lời lãi. Bà Lan cho biết giá cá ngừ tại Nhật Bản cũng dao động nhưng cơ bản là tương đối cao và đó là một thị trường ổn định, giàu tiềm năng.

“Vấn đề then chốt vẫn là ngư dân mình. Chúng tôi đang tập trung đào tạo ngư dân ngày càng thuần thục hơn với quy trình đánh bắt của Nhật, đồng thời tăng cường thiết bị để bà con ngư dân thu hoạch được số lượng cá lớn hơn, lúc đó chắc chắn lợi nhuận sẽ khả quan hơn”- bà Lan nói.

Trong cuộc làm việc mới đây với UBND tỉnh Bình Định, Hội hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai (Osaka), Công ty Kato Hitoshi General Office và các chuyên gia thủy sản Nhật Bản cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngư dân Bình Định, chia sẻ kinh nghiệm và khó khăn để đưa thương hiệu cá ngừ đại dương của Bình Định dần trở nên quen thuộc với thị trường Nhật Bản.

Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo