Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Nghị quyết phiên họp yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành thận trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát các giao dịch tiền ảo.
Với các Bộ, ngành khác, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; phát động phong trào ngành tài chính hành động liêm chính, nói không với tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu tiêu cực trong lĩnh vực hải quan, thuế. Quản lý chặt chẽ tài sản công, công khai minh bạch theo giá thị trường, không để thất thoát, lãng phí; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thành việc phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Các cấp, các ngành tiếp tục tập trung đôn đốc, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu, xây dựng, thanh quyết toán đối với các dự án đầu tư công; tăng cường các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, khẩn trương hoàn thiện hệ thống phần mềm để công khai trên trang điện tử kết quả giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ, bảo đảm đồng bộ, lành mạnh, không để xảy ra tình trạng chi phối, lũng đoạn thị trường bán lẻ. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chương trình, kế hoạch kết nối đưa sản phẩm nông sản Việt Nam tham gia vào các kênh phân phối, bán lẻ.
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận thức rõ trọng trách là người đứng đầu quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương, quán triệt sâu sắc tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”;
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tuyệt đối không chủ quan trong chỉ đạo, điều hành, chủ động nắm sát tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời có đối sách, giải pháp phù hợp; có khát vọng đổi mới và phát triển, sâu sát với thực tiễn và công việc, chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, yếu kém thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; có chính sách, giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao