Pháp luật

Tiếp tục phiên xử phúc thẩm Phạm Công Danh và đồng phạm

Hôm nay (3/1), phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục với phần xét hỏi.

Phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại VNCB hôm nay tiếp tục với phần xét hỏi. Phiên tòa cuối tuần trước, cơ quan tiến hành tố tụng đang làm rõ hành vi liên quan đến việc rút 5.190 tỷ đồng nhưng không có chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản, rút 300 tỷ đồng không có hồ sơ vay, gây thiệt hại cho VNCB 5.490 tỷ đồng, theo tin trên báo VOV.

Trong hành vi này, HĐXX xem xét kháng cáo của nhóm khách hàng gửi tiền. Liên quan đến hành vi trên, HĐXX cũng xem xét kháng cáo của các bị cáo liên quan như Mai Hữu Khương, Phan Thành Mai…

Trước đó, vào những ngày cuối cùng của năm 2016, Phạm Công Danh – ông chủ một thời của ngân hàng Xây dựng (VNCB) và Tập đoàn Thiên Thanh cùng các đồng phạm quay trở lại đứng trước vành móng ngựa trong những phiên xử phúc thẩm vụ án thất thoát 9.000 tỷ đồng tại VNCB, theo tin trên báo Tri Thức Trẻ.

Phạm Công Danh. Ảnh: Báo Dân Trí.

Ngày trở lại, Phạm Công Danh xuất hiện với hình ảnh có phần tiều tụy hơn, dáng vẻ mệt mỏi, tình hình sức khỏe yếu hơn do bị suy thận. Đã nhiều lần HĐXX lo ngại sức khoẻ của ông không đảm bảo để tham gia phiên tòa và cho phép ông được ra ngoài bất cứ lúc nào để các bác sĩ trợ giúp.

Và cũng có hàng chục lần Phạm Công Danh viện lý do vì sức khỏe yếu, trí nhớ kém nên không thể trả lời đầy đủ khi tòa thẩm vấn.

Trong lần xử phúc thẩm này, ông Danh đã liên tục ngoái nhìn lại phía sau để tìm những người “xưa cũ” đến dự tòa. Ông đề nghị tòa cho triệu tập ông Hà Văn Thắm cựu Chủ tịch OceanBank, bà Hứa Thị Phấn, ông Trần Quý Thanh đến tòa để đối chất làm rõ các nội dung liên quan đến việc chuyển giao ngân hàng và các khoản tiền vay mượn.

Trong tuần xét xử đầu tiên, những gì đọng lại là câu nói nhắc đi nhắc lại nhiều lần của bị cáo Danh “Xin tòa cho tôi được trình bày bối cảnh khi đó ngân hàng hết sức khó khăn, bị cáo đã phải bán nhiều tài sản cá nhân, bán hơn 10 căn nhà để lấy tiền chi cho các hoạt động nhằm đảm bảo tính thanh khoản của ngân hàng”, “Bị cáo làm vì cứu ngân hàng không vì tư lợi cá nhân”, “Bị cáo không biết, bị cáo không chỉ đạo mà giao cho người khác làm”...

Những câu trả lời của Phạm Công Danh dường như lạc lõng vì không đúng trọng tâm của câu hỏi, tòa cũng nhiều lần nhắc nhở bị cáo trả lời ngắn gọn, thẳng thắn.

 

Các thuộc cấp của Phạm Công Danh trong khi đó đồng loạt khai nhận rằng đã làm theo chỉ đạo của ông Danh. Và lời khai của Phạm Công Danh còn đơn độc hơn khi có những xung đột trong các lời khai của người liên quan.

Theo cáo trạng, ông Phạm Công Danh mua lại và tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín, sau đó đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Khoảng tháng 5/2013, ông Danh chỉ đạo cấp dưới nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỷ đồng, nâng tỷ lệ mua sắm tài sản của ngân hàng vượt quá 50% vốn điều lệ…

Ngoài ra, ông Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở tại quận 10 (TP. HCM) để chuyển 581 tỷ đồng từ VNCB ra ngoài. Ông Danh còn được xác định đã rút 5.490 tỷ đồng từ tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng, gây thiệt hại cho VNCB. Tổng thiệt hại ở các hành vi nêu trên của ông Phạm Công Danh là hơn 9 nghìn tỷ đồng…

Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP. HCM tuyên phạt ông Phạm Công Danh tổng cộng 30 năm tù về các tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”; “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng”. Các đồng phạm của ông Danh là bị cáo Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc VNCB) bị tuyên phạt 22 năm tù; bị cáo Mai Hữu Khương (33 tuổi, nguyên thành viên HĐQT) 20 năm tù; bị cáo Hoàng Đình Quyết (33 tuổi, nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn) 19 năm tù. 32 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ án treo tới 16 năm tù.

Phạm Công Danh phải hoàn trả tổng cộng hơn 6 nghìn tỷ đồng gốc và lãi mà ông thực hiện các hành vi vi phạm rút hoặc vay từ VNCB. Bản án cũng tuyên thu hồi 5.190 tỷ đồng mà Phạm Công Danh chuyển vào tài khoản của ông Trần Quý Thanh.

 

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp theo báo VOV, Tri Thức Trẻ)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo