Tiếp tục rút trên 16.000 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực “nhạy cảm”
Kế hoạch thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty vào các lĩnh vực "nhạy cảm" năm 2014 đã gần hoàn thành...
Kế hoạch thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty vào các lĩnh vực nhạy cảm năm 2014 đã gần hoàn thành, nhưng nhiệm vụ trong năm 2015 vẫn rất nặng nề, với quy mô tăng gấp 4,5 lần.
Theo số liệu được Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính công bố sáng nay (9/10), tính đến tháng 9/2014, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái vốn thành công 3.488 tỷ đồng khỏi 5 lĩnh vực "nhạy cảm" là chứng khoán, quỹ đầu tư, bảo hiểm, tài chính ngân hàng và bất động sản.
Theo kế hoạch thoái vốn năm 2014, tổng mức vốn cần rút bớt là 3.568 tỷ đồng. Như vậy 9 tháng, các tập đoàn, tổng công ty đã đi gần hết chặng đường, đạt gần 98% kế hoạch.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lên kế hoạch thoái 2.863 tỷ đồng, trong lĩnh vực bảo hiểm là 211 tỷ đồng, lĩnh vực bất động sản là 141 tỷ đồng, lĩnh vực chứng khoán là 298 tỷ đồng và tại các quỹ đầu tư là 54 tỷ đồng.
Tốc độ thoái vốn trong năm 2014 được đánh giá là tích cực khi cả năm 2013, mức thoái vốn chỉ đạt 965 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng 9 tháng 2014, hiệu quả thoái vốn đã gấp 3,6 lần cả năm 2013.
So sánh với số liệu thống kê về giá trị đầu tư ở các tập đoàn, tổng công ty thời điểm cuối năm 2013 vào 5 lĩnh vực nhạy cảm, số liệu đến tháng 9/2014 đã cho thấy mức thu hẹp rất đáng kể. Tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nói trên còn 17.929 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiệm vụ thoái vốn tại các lĩnh vực "nhạy cảm" vẫn sẽ rất nặng nề trong năm 2015, với tổng mức vốn cần thoái lên tới 16.367 tỷ đồng.
Theo đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp, đây mới chỉ là kế hoạch thoái vốn tại 5 lĩnh vực "nhạy cảm". Ngoài ra các tập đoàn, tổng công ty còn phải thoái vốn đầu tư ở các doanh nghiệp ngoài ngành sản xuất chính. Do đó áp lực thoái vốn còn rất lớn.
Theo số liệu báo cáo các năm 2012, 2013, lĩnh vực chứng khoán và bất động sản có tốc độ thoái vốn nhanh nhất. Năm 2012, giá trị đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào lĩnh vực chứng khoán là 1.106 tỷ đồng thì năm 2013 chỉ còn 467 tỷ đồng.
Nếu hoàn thành kế hoạch năm 2014, quy mô đầu tư vào lĩnh vực này chỉ còn 169 tỷ đồng.
Lĩnh vực bất động sản năm 2012 được ghi nhận đầu tư 6.089 tỷ đồng, đã giảm xuống còn 3.808 tỷ đồng. Năm 2014, kế hoạch thoái thêm 141 tỷ đồng nữa.
Tuy nhiên tại lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ngay cả khi hoàn thành thoái vốn 2.863 tỷ đồng của năm nay thì quy mô đầu tư tại lĩnh vực này vẫn không giảm đi được bao nhiêu so với mức đầu tư năm 2012. Nguyên nhân là do trong năm 2013, giá trị đầu tư đã tăng 2.090 tỷ đồng.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2026-2030: Phải có tư duy đột phá
Giá heo hơi ngày 15/11/2024: Tiếp tục tăng giá tại một số tỉnh phía Nam
Giá nông sản ngày 15/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng, hồ tiêu giảm giá
Giá ngoại tệ ngày 15/11/2024: USD duy trì đà tăng
Sẵn sàng nguồn cung hàng hoá phục vụ cho cuối năm và Tết
MSB đầu tư chiến lược vào nền tảng ngân hàng tương tác
Cột tin quảng cáo