Tiếp tục “xử” các công ty vi phạm bản quyền phần mềm
“Chiến dịch” xử lý các doanh nghiệp vi phạm bản quyền phần mềm máy tính sẽ không dừng lại ở con số các doanh nghiệp bị xử phạt hành chính, nhiều khả năng sẽ có những doanh nghiệp phải “đáo tụng đình”.
Ngang nhiên “xài chùa” phần mềm trái phép cả tỷ đồng
Thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm, Bộ Công An vừa thực hiện một chiến dịch có quy mô “truy quét” tình trạng doanh nghiệp vô tư “xài chùa” phần mềm máy tính.
Gần 400 máy tính bị kiểm tra, phát hiện 1251 phần mềm các loại bị cài đặt trái phép, 14/ 16 doanh nghiệp kiểm tra bị phát hiện có dấu hiệu sử dụng bất hợp pháp nhiều phần mềm không có bản quyền trong đó có bốn công ty Hàn Quốc, ba công ty Đài Loan, hai công ty của Mỹ, hai công ty của Nhật Bản và ba công ty của Việt Nam, Úc và Thụy Sĩ. Các phần mềm vi phạm chủ yếu được tìm thấy là các ứng dụng phần mềm văn phòng phổ biến của Adobe Systems, Autodesk, Lạc Việt, Microsoft và Symantec.
Điều đáng nói, các công ty sử dụng phần mềm bất hợp pháp một cách chủ ý với tổng giá trị phần mềm bị vi phạm ước tính lên tới hơn 15 tỷ đồng. Có nhiều công ty sử dụng phần mềm trái phép giá trị cả tỷ đồng nhưng khi bị kiểm tra còn ngoan cố, bất hợp tác.
Điển hình là công ty TNHH Giấy Chánh Dương của Đài Loan đặt trụ sở tại lô B-2-CN, Đường D15, KCN Mỹ Phước, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Công ty này bị phát hiện sử dụng phần mềm trái phép lên đến hơn 1 tỷ đồng (tương đương với 48,212 đô la Mỹ) nhưng bất hợp tác, không chịu trách nhiệm đối với việc làm sai trái của mình.
“Đợt tổng kiểm tra năm nay được tiến hành đối với nhiều loại hình doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề khác nhau trên khắp cả nước và đa dạng về quốc tịch. Điều này cho thấy chính phủ Việt Nam tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg ngày 31/12/2008, sẽ không loại trừ bất kỳ một doanh nghiệp nào, kế cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khi họ không tuân thủ nghiêm túc Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”, ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định.
Cần đưa nhiều doanh nghiệp vi phạm ra tòa?
Từ năm 2012, Chương trình Hợp tác bảo vệ quyền tác giả máy tính đã hàng loạt các hoạt động nhằm cập nhật những điều luật mới nhất liên quan đến bản quyền phần mềm của Việt Nam tới các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có sử dụng nhiều phần mềm máy tính. Các nhà sản xuất phần mềm cũng không ngần ngại liên tục hỗ trợ các doanh nghiệp các chương trình tư vấn để các doanh nghiệp đầu cuối có thể sử dụng phần mềm hiệu quả và tiết kiệm.
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, chi phí mua phần mềm máy tính có bản quyền chỉ chiếm 5-6% chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, trong khi chi phí rủi ro dành cho việc sử dụng phần mềm không có bản quyền sẽ là con số lớn hơn rất nhiều khi doanh nghiệp phải đương đầu với nguy cơ mất dữ liệu do phần mềm bị nhiễm virus hay bị kiện tụng, bị phạt khi bị các cơ quan quản lý thanh kiểm tra.
Các đơn vị sản xuất phần mềm còn khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hoạt động/kinh doanh đang sử dụng những phần mềm/chương trình máy tính cần phải cẩn thận và cảnh giác với nguồn gốc của những chương trình mình đang dùng, sử dụng nếu không sẽ phải đối diện với những rủi ro rất lớn không chỉ trên sân nhà mà cả khi hoạt động tại nước ngoài.
Cục quản lý Cạnh tranh, Cục Bản quyền tác giả mới đây cũng có nhiều thông báo, khuyến cáo tới các doanh nghiệp trong nước về các đạo luật chống cạnh tranh bất bình đẳng của các Bang Washington và Louisiana Hoa Kỳ. Theo đó nếu các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào các Bang này mà trong quá trình sản sử dụng các phần mềm bất hợp pháp thì có thể bị chính cơ quan công quyền của các Bang nói trên khởi kiện hoặc bị doanh nghiệp cạnh tranh khởi kiện tại các cơ quan chống cạnh tranh bất bình đẳng tại các Bang.
Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực của cơ quan chức năng cũng như khuyến cáo từ các doanh nghiệp sản xuất phần mềm, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, ngang nhiên sử dụng phần mềm không có bản quyền. Trước thực trạng này, Ban kiểm tra liên ngành đã đẩy mạnh qui mô của các cuộc thanh tra trên phạm vị toàn quốc từ năm 2013 lên 2 con số trong mỗi đợt.
Các doanh nghiệp bị kiểm tra thường là các doanh nghiệp lớn, hoạt động ở các thành phố lớn hoặc ở các khu công nghiệp. Các cuộc thanh kiểm tra đột xuất thường niên này bước đầu đã có hiệu quả nhất định, số lượng các doanh nghiệp bị phát hiện và xử phạt tăng lên đáng kể. Thậm chí, cuối năm 2013, một doanh nghiệp Đài Loan hoạt động tại Việt Nam đã phải ra hầu tòa vì sử dụng phần mềm không có bản quyền. Đây là bài học đắt giá cho nhiều doanh nghiệp trong việc tuân thủ luật Sở hữu trí tuệ.
“Biện pháp xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính hiện chưa đủ mạnh và triệt để, trong nhiều vụ việc mức xử phạt còn thấp. Để nâng cao tính hiệu quả của công tác thực thi quyền SHTT tôi cho rằng cần đơn giản hóa thủ tục tố tụng dân sự, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể quyền SHTT khởi kiện người xâm phạm tại Tòa án.
Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi cần áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với các chủ thể xâm phạm quyền SHTT. Tôi cho rằng cần đưa nhiều doanh nghiệp vi phạm quyền SHTT đối với phần mềm máy tính ra tòa như vụ việc doanh nghiệp Đài Loan cuối năm 2013 vừa qua”, luật sư Trần Mạnh Hùng khuyến nghị.
Đồng quan điểm này, đại diện liên ngành cũng cho rằng trong thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm bản quyền phần mềm máy tính, khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc giám sát các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, thực thi nghiêm túc luật sở hữu trí tuệ nhằm tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh tại Việt Nam.
Theo Pháp luật Tp. HCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo