Tiết lộ mức lương hơn 2,6 tỷ đồng của lãnh đạo DNNN
"Một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước tại TP.HCM, có người còn nhận mức lương cao hơn nhiều so với mức lương 2,2 - 2,6 tỷ đồng/năm của các doanh nghiệp công ích bị phát hiện trước đó", ông Lê Mạnh Hà nói.
"Tuy nhiên, việc xác định đúng sai trong chi trả phải chờ ý kiến của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội", ông Lê Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM báo cáo trước Chính phủ tại phiên họp thường kỳ chiều 25/1.
Theo ông Hà, qua rà soát lương thưởng, thu nhập nói chung của khối doanh nghiệp nhà nước, nếu việc trả lương của 4 doanh nghiệp công ích đã được kết luận là sai thì mức lương chi trả “khủng” vừa được phát hiện này chưa phân định rõ đúng sai, vì các vị trí lãnh đạo này đều kiêm nhiệm nhiều chức vụ, trong khi lương kiêm nhiệm cao hơn nhiều so với lương trả cho chức vụ chính.
Đây là mức lương một số doanh nghiệp nhà nước chi trả cho lãnh đạo trước khi có chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề này. Cụ thể, mức lương chi trả không quá 36 triệu đồng/tháng, nếu có thưởng thêm thì cũng không quá 54 triệu đồng/tháng.
Như báo Đất Việt đã thông tin trước đó, UBND TP.HCM đã công bố các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo mới cho 4 công ty công ích mà cựu lãnh đạo công ty trước đó đã bị kỉ luật vì vụ nhận lương "khủng".
Theo kết luận thanh tra của UBND TP cho biết, 4 công ty công ích là TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, TNHH một thành viên Công trình giao thông Sài Gòn, TNHH một thành viên Công viên cây xanh và TNHH một thành viên Chiếu sáng công cộng đã chi lương lãnh đạo cao bất thường, gấp hàng chục lần so với người lao động, trong đó cao nhất là lương của Giám đốc Công ty thoát nước đô thị với 2,6 tỷ đồng một năm.
Ngoài ra, 4 công ty này cũng được cho là đã vi phạm quy định Luật Lao động khi hàng trăm người lao động đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn nhưng không được lãnh đạo các công ty ký. Sau đó, UBND TP cũng đã yêu cầu thanh tra toàn diện 4 công ty này.
Giữa tháng 9, Ban thường vụ Thành ủy nhận định các vi phạm này làm mất uy tín của bản thân, tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi công tác; mất đoàn kết nội bộ, gây dư luận xấu, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân… 6 vị giám đốc, chủ tịch Hội đồng thành viên bị cách chức, đồng thời buộc thôi việc 2 giám đốc tại 4 công ty công ích trên.
Thành ủy đã khai trừ Đảng 2 người, đình chỉ tất cả chức vụ trong Đảng 2 người và cách chức Đảng ủy viên Đảng ủy công ty đối với 3 người.
Không để ai không được về ăn Tết
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT - Đinh La Thăng cho biết, để đảm bảo công tác đi lại, tham gia giao thông cho người dân trong dịp Tết, Bộ đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện nhiều biện pháp triển khai bán vé sớm; tăng cường các bến xe dự phòng nhằm đảm bảo không để người dân nào không được về ăn Tết.
"Nơi nào để người dân không về ăn tết, phải lấy xe của giám đốc đưa về", Bộ trưởng Thăng nói.
Bộ trưởng Thăng lưu ý, năm nay nghỉ Tết dài ngày nên các doanh nghiệp vận tải phải phối hợp với các khu công nghiệp, khu dân cư bố trí đủ phương tiện đảm bảo phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết.
Về tình hình tai nạn giao thông, bộ trưởng Thăng cho biết, trong năm 2013 toàn quốc xảy ra 2319 vụ tai nạn giao thông, chết 900 người, bị thương 2012 người. Giảm 356 vụ so với năm ngoái, tăng 10 người chết.
Theo bộ trưởng Thăng, số liệu theo báo cáo của Tổng cục đường sắt là giảm, nhưng theo số liệu của Bộ thì lại tăng. Nguyên nhân là do một số địa phương đã báo cáo dấu số người chết và người bị thương.
Để đảm bảo công tác an toàn giao thông trong dịp Tết, Bộ Công an đã phối hợp cử 14 đoàn kiểm tra, Bộ GTVT là 10 đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra tất cả các địa phương trên cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, ngành giao thông nỗ lực huy động bị phương tiện đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của nhân dân. Các lực lượng chức năng cũng triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Các địa phương quan tâm chăm lo, hỗ trợ người có công, người nghèo dịp Tết Nguyên đán…
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo