Pháp luật

Tiêu chuẩn giờ giảng cho giáo viên trong trường nghề

Theo phản ánh của ông Cao Lai Phúc (quangphuc86vt@...), hiện nay các giáo viên dạy môn Toán, Lý, Hóa cho học sinh hệ trung cấp nghề (chưa tốt nghiệp THPT) của trường ông được quy định giờ chuẩn là 680 giờ/năm. Trường hợp giảng dạy song song nhiều chương trình thì từ tiết giảng thứ 3 trở đi cứ 1 tiết chỉ được tính bằng 0,75 tiết giảng dạy chuẩn.

Ông Phúc cho rằng, theo quy định này, để đạt được 17 tiết dạy tiêu chuẩn quy định đối với giáo viên trung học phổ thông (17 tiết/tuần), thì ông Phúc phải dạy thực tế 22 tiết/1 tuần. Ông Phúc hỏi, cách tính giờ giảng dạy đối với giáo viên của trường ông như vậy có hợp lý không?

Về vấn đề này, ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) trả lời như sau:
 
Theo điểm a khoản 3 mục II Thông tư số 09/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/6/2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn chế độ làm việc của giáo viên dạy nghề thì: “Tiêu chuẩn giờ giảng của giáo viên dạy các môn văn hóa phổ thông trong trường trung cấp nghề thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập”, cụ thể là 17 tiết/tuần.
 
Đồng thời, đối với giáo viên giảng dạy, điểm a khoản 4 mục II Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH cũng hướng dẫn: “Giảng dạy song song nhiều lớp cùng chương trình, trình độ, từ lớp thứ 3 trở đi: 1 giờ lý thuyết được tính bằng 0,75 giờ chuẩn”.
 
Như vậy, theo thư phản ánh của ông Cao Lai Phúc thì, việc xác định tiêu chuẩn giờ giảng cho giáo viên dạy môn Toán, Lý, Hóa cho học sinh hệ trung cấp nghề chưa tốt nghiệp phổ thông trung học của trường ông là đúng với quy định.
 
Nội dung về cách tính giờ là giảng dạy song song (như trong thư ông Phúc phản ánh) là không đúng theo quy định của Thông tư này.
Chinhphu.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo