Tiêu dùng

Giảm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường, giá xăng liệu hạ nhiệt?

Bộ Tài Chính đã chốt mức giảm thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng/lit áp dụng từ ngày 1/4/2022. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội, thì việc giảm thuế với xăng dầu cần mạnh mẽ hơn.

Từ 15h ngày 28/7: Giá các mặt hàng xăng dầu tăng nhẹ / Đóng cửa không lý do, cây xăng dầu tại Đà Nẵng bị lập biên bản

Liên Bộ Công Thương - Tài Chính thông báo điều chỉnh tăng giá xăng, dầu áp dụng từ 15h ngày 11/3/2022. Giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 2.990 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 2.908 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S tăng 3.958 đồng/lít; dầu hỏa tăng 3.940 đồng/lít.
Bộ Tài chính nhất trí với phương án giảm mức thuế BVMT đối với xăng là 2.000 đồng/lít (ảnh minh hoạ)

Bộ Tài chính nhất trí với phương án giảm mức thuế BVMT đối với xăng là 2.000 đồng/lít (ảnh minh hoạ)

Liên Bộ Công Thương - Tài Chính vừa thông báo điều chỉnh tăng giá xăng, dầu áp dụng từ 15h ngày 11/3/2022. Giá xăng RON 95 được Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON92 là 28.985 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.824 đồng/lít, giá dầu diesel 0.05S là 25.268 đồng/lít… Như vậy, đây là lần tăng giá xăng thứ 7 liên tiếp với tổng mức tăng khoảng hơn 6.500 đồng/lít.
Trước đó, do thị trường xăng dầu thế giới liên tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao, và tình hình dịch COVID-19 vẫn chưa ổn định, ngày 22/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 160/CĐ-TTg về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Tài Chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh chính sách thuế bảo vệ môi trường.
“Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn”. Bộ Tài Chính cho biết.
Theo bộ này, đồng thời, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các Bộ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ Tài Chính đã hoàn thiện dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo đó đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Bộ đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
“Với việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỷ đồng/năm, từ đó tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 31.938 tỷ đồng/năm (số giảm thu ngân sách nhà nước bình quân 1 tháng là 2.661,6 tỷ đồng/tháng). Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 01/4/2022 thì số giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) sẽ khoảng 23.954 tỷ đồng”, Bộ Tài Chính cho biết.
Được biết, ngày 4/3, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký văn bản gửi tới Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài Chính, góp ý cho dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022, với mức giảm 2.000 đồng/lít với xăng; 1.000 đồng/lít với dầu, mỡ nhờn. "Trong bối cảnh xăng dầu tăng cao như vậy thì Việt Nam dự báo được hưởng lợi từ giá dầu thô xuất khẩu tăng. Rồi trong 2 tháng đầu năm, thu ngân sách vừa rồi cũng rất tích cực, cho nên chúng tôi cho rằng tương đối khả thi để giảm phí bảo vệ môi trường trên xăng dầu mạnh mẽ hơn", ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết.
Tuy nhiên, với giá bán lẻ xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay và dự báo tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi xung đột quân sự và trừng phạt kinh tế diễn ra căng thẳng tại châu Âu và có xu hướng leo thang, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiệp hội, thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu cần mạnh mẽ hơn.
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả nêu quan điểm: Mức giảm thuế bảo vệ môi trường cần cao hơn nữa để kìm đà tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, phải cân đối với ngân sách quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 có rất nhiều nhu cầu khác. Việc có kéo dài thời hạn giảm thuế sau thời điểm ngày 31/12/2022 hay không thì cần theo sát diễn biến giá xăng dầu thế giới. Giá xăng dầu tăng có thời kỳ, không kéo dài mãi. Do đó, trước mắt áp dụng mức giảm theo đề xuất đến hết năm 2022, sau đó có thể xem xét để điều chỉnh nếu cần thiết.
Ở một góc nhìn khác, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) lại nhìn nhận, mặc dù Chính phủ Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trong nước, thế nhưng việc giảm thuế bảo vệ môi trường không phải là chính sách đúng đắn để hạ nhiệt giá xăng dầu.
Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, rủi ro tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam đã tăng cao do các ca nhiễm Omicron đang quét qua cả nước và xung đột Nga-Ukraine, làm gia tăng tính bất định về phục hồi kinh tế toàn cầu, tạo ra những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng áp lực lạm phát. Giá hàng hóa thế giới đã tăng mạnh và có thể còn tiếp tục tăng trong ngắn hạn.
Điều này cũng trùng với quan điểm của các chuyên gia tại Việt Nam, rằng căng thẳng giữa Nga và Ukraine tuy ít tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam nhưng lại là yếu tố tác động gián tiếp theo hướng tiêu cực đến thương mại của Việt Nam với nhiều đối tác trên thế giới, kéo theo nguy cơ nhập khẩu lạm phát tăng cao. Nguyên nhân là bởi cục diện chính trị - quân sự giữa Nga và Ukraine cùng lệnh trừng phạt từ Mỹ, châu Âu với Nga sẽ tác động đến ít nhất đến 2 thị trường quan trọng là thị trường nhiên liệu, nguyên liệu cơ bản và thị trường lương thực. Đặc biệt, với thị trường khí đốt, động thái từ Mỹ có thể khiến nguồn cung bị ảnh hưởng phần nào. Song vấn đề ở đây là không có Nga cung cấp dầu thì sẽ có nguồn cung từ quốc gia khác nhưng chắc chắn giá sẽ bị đẩy lên cao hơn nữa.
Trước thông tin công bố giá xăng ngày 11/3, trước đó một ngày, nhiều người dân đã đổ xô đi mua xăng. Theo đó, từ khoảng 17 giờ chiều 10/3, tại nhiều trạm xăng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra tình trạng người và xe cộ, phương tiện ùn ùn kéo tới đổ xăng. Những cây xăng lớn trên đường Thái Thịnh, Nam Đồng, Lê Văn Lương, Cầu Giấy,… xuất hiện cảnh ô tô, xe máy xếp hàng dài. Đến 20 giờ, tại nhiều cây xăng vẫn còn xảy ra cảnh ùn ứ, chen chúc, chờ đợi.
Ghi nhận từ các địa phương cũng thông tin rằng, các tỉnh như Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc,… cũng xảy ra tình trạng tương tự. Nhiều người dân còn xách theo can nhựa ra đổ dự trữ 10-20 lít/can để phòng giá xăng, dầu có thể tăng sốc. Nhiều nơi bắt đầu xuất hiện một số cây xăng đóng cửa, treo biển hết xăng hoặc báo lý do có F0 nên không bán.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 01/3/2022 và kỳ điều hành ngày 11/3/2022 là: 132,251 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 20,906 USD/thùng, tương đương tăng 18,77% so với kỳ trước); 135,750 USD/thùng xăng RON95 (tăng 21,543 USD/thùng, tương đương tăng 18,86% so với kỳ trước; 135,249 USD/thùng dầu hỏa (tăng 26,817 USD/thùng, tương đương tăng 24,73% so với kỳ trước); 145,191 USD/thùng dầu diesel (tăng 32,53 USD/thùng, tương đương tăng 28,87% so với kỳ trước); 647,848 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 109,00 USD/tấn, tương đương tăng 20,23% so với kỳ trước).
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm