Tiêu dùng

Loạn thị trường đồng hồ hàng giả, nhái dịp cận tết

DNVN - Xuất hiện tại nhiều cửa hàng ở các đường phố, các chợ lớn nhỏ, trên các trang web, chợ sinh viên… Việt Nam là thị trường đổ bộ của số lượng “khủng” đồng hồ giả, nhái mang thương hiệu của các hãng đồng hồ có tên tuổi trên thế giới như: Rolex, Omega, Longines...

Saigon Co.op khai trương siêu thị Co.opmart tại Cần Thơ / Thị trường bia đồng loạt tăng giá dịp Tết

Đồng hồ 'hiệu' giá 'bèo'

Khảo sát của PV tại chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2019, có rất nhiều cửa hàng bày bán đồng hồ với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng với giá "rẻ bèo".

Sau khi nghe chúng tôi đặt vấn đề mua đồng hồ hiệu Omega số lượng lớn để bán lại, một chủ cửa hàng tại đây cho biết, đồng hồ Omega có nhiều loại từ 500.000 đến 2 triệu đồng/chiếc. Nếu em mua để bán online thì nên chọn loại 1 triệu đồng, bởi giá này có nhiều màu, khách hàng dễ lựa chọn. " Nếu anh lấy với số lượng trên 20 đồng hồ thì giảm còn 800 nghìn đồng/chiếc”, chủ cửa hàng nói.

Đa số các đồng hồ fake đều làm giả từ các thương hiệu nổi tiếng và quen thuộc như Rolex, Casio, Seiko, Omega,… và đến từ Trung Quốc.

Đa số các đồng hồ Fake đều làm giả từ các thương hiệu nổi tiếng và quen thuộc như Rolex, Casio, Seiko, Omega,… và đến từ Trung Quốc.

Khi chúng tôi thắc mắc rằng đây có phải hàng chính hãng không?. Chủ cửa hàng khẳng định: “Ở đây còn nhiều loại nữa, dưới 400.000 đồng cũng có. Nhưng nếu muốn mua hàng chính hãng thì em cứ yên tâm, sẽ bán cho em đảm bảo hàng chính hãng, bảo hành 24 tháng luôn”.

Tiếp tục ghé vào một cửa hàng khác nằm trên đường Tân Kỳ Tân Qúy (quận Bình Tân), không mấy khó khăn để tìm mua được đủ loại đồng hồ như Rolex, Omega hay Patek Philippe với giá chỉ từ… vài trăm ngàn đồng đến gần 2 triệu.

“Những hãng đồng như Rolex (Thụy Sĩ), Omega (Thụy Sĩ), Longines (Thụy Sĩ), Cartier (Pháp), Montblanc (Đức)… loại nào ở đây cũng có cả, giá từ 800.000 – 1,6 triệu đồng/cặp, mua lẻ thì bán 450.000/chiếc. Mẫu Rolex đang được ưa chuộng. Em mua về đeo hay tặng người thân dịp Tết là rất hợp lý!”, chủ cửa hàng đồng hồ quảng cáo.

Không chỉ thế, chủ cửa hàng đồng hồ còn khẳng định, nhiều người mua đồng hồ từ nơi khác đến để thay dây được chị “thẩm định” đã mua phải… hàng giả có giá đắt hơn mấy trăm nghìn so với cửa hàng của mình nên cứ yên tâm về chất lượng, thời gian bảo hành vĩnh viễn tại cửa hàng (!?).

 

Hiện nay, rất đơn giản để tìm mua một chiếc đồng hồ, không cần phải tìm đến các cửa hiệu hay trung tâm thương mại, mà có thể vào nhà sách, ra chợ, tiệm tạp hóa, và cũng dễ dàng thấy rao bán tràn lan ở các trang web, mạng xã hội, giá rất rẻ.

Nhiều người coi đồng hồ fake như một sự có mặt hiển nhiên trên thị trường mà không nhận ra những mối nguy hại tiềm ẩn.

Đồng hồ "hàng hiệu" đươc bày bán la liệt với giá siêu rẻ.

Tiết lộ với PV, một người chuyên buôn đồng hồ “hàng hiệu nhái” tại quận 3 cho biết, hiện tại thị trường đồng hồ thật giả lẫn lộn rất khó phân biệt. Đa phần được nhập từ Trung Quốc về với giá rất rẻ, sau đó người bán sẽ "hét" lên với giá cao để người mua tưởng giống như thật. Bên cạnh đó, do siêu lợi nhuận mà đồng hồ giả đem lại nhiều đối tượng sẵn sàng đầu tư kinh phí để làm giả tem, thẻ bảo hành cho đồng hồ giả.

 

“Người tiêu dùng không biết rằng, đồng hồ chính hãng được phân phối trên thị trường đều có quy định giá chung tại quốc gia hoặc khu vực đó. Với lợi nhuận "1 vồn 4 lời" nên tình trạng bán đồng hồ như vậy ngày càng nhiều”, vị này nói.

Với người tiêu dùng, chiếc đồng hồ không chỉ dùng để báo giờ, mà còn là món phụ kiện thể hiện phong cách, cá tính, thậm chí là “đẳng cấp”. Thế nên những người sản xuất, kinh doanh đồng hồ nhái hàng hiệu vẫn có nhiều đất sống, đáp ứng nhu cầu của những người ít tiền nhưng muốn tỏ ra “sành điệu”.

Người tiêu dùng lĩnh đủ

Không thể phủ nhận nhiều sản phẩm nhái giá bán phải chăng cũng được làm với chất lượng khá tốt, gia công tỉ mỉ, nên được nhiều khách hàng lựa chọn. Một chiếc đồng hồ nhái thương hiệu nhập về có cả hộp, giấy tờ, mã code đi kèm y như hàng chính hãng, nhưng giá chỉ vài trằm nghìn đồng/cái. Thực tế đã có nhiều trường hợp tiền mất tật mang khi mua phải những mặt hàng như vậy.

Trường hợp của anh Nguyễn Đình Thành (quận Gò Vấp) là một ví dụ. Anh Thành là một “dân chơi đồng hồ”, ngỡ ngàng khi kể lại câu chuyện bị lừa của mình: “Mình mua một chiếc Omega Seamaster James Bond 007, với giá gần 4.000 USD. Bình thường giá niêm yết của hãng là hơn 8.000 USD, nhưng vì mua của người quen nên được “giảm giá”. Đem đến thẩm định thì nhận ngay tin sét đánh đây là đồng hồ nhái”.

 

Đồng hồ nhái được rao bán công khai với rất nhiều mẫu mã cộp mác các thương hiệu lớn.

Đồng hồ nhái được rao bán công khai với rất nhiều mẫu mã cộp mác các thương hiệu lớn.

Theo nhiều chuyên gia về đồng hồ, nếu khách hàng chưa biết phân biệt đồng hồ thật - giả thì có thể vào các trang website của những hãng đồng hồ nổi tiếng, để xem những kiểu dáng đồng hồ của hãng và đại lý của hãng ở Việt Nam.

Ngoài ra, đồng hồ chính hãng về nguyên tắc khi mua sẽ có thẻ bảo hành toàn cầu, có số seri để khách hàng có thể tra cứu online. Nếu đồng hồ cao cấp mà không có những thông số này, thì đa phần đều hàng nhái.

 

Cũng theo một số thợ sửa đồng hồ, đồng hồ được làm nhái thường sử dụng những vật liệu khá rẻ và nhẹ như nhôm hoặc hợp kim. Đồng hồ khi được mạ, có lớp vỏ khá nhạt, dùng một thời gian sẽ nhanh phai màu, đặc biệt khi tiếp xúc với nước. Đồng thời đồng hồ được làm nhái nhẹ hơn đồng hồ thật, vì thế người dùng có thể đặt đồng hồ mới mua lên cân và cân thử, so sánh với thông tin của chính hãng đó đưa ra…Đồng hồ chính hãng dùng hàng chục năm vẫn tốt như mới.

Bài & ảnh: Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo