Nhiều nước khuyến khích mặc áo phông, quần ngắn đi làm để tiết kiệm điện
DNVN - Với chiến dịch "Công sở mát mẻ", Nhật Bản khuyến khích nhân viên mặc những bộ quần áo đơn giản, mát mẻ. Tương tự, với chương trình "phong cách mát mẻ”, nhân viên Hàn Quốc được phép mặc áo phông, quần ngắn và đi dép sandal đến nơi làm việc. Thú vị hơn, Italia khuyến nghị người dân tắm nhanh hơn để tiết kiệm điện năng...
Phát hiện serum thâm X2 của doanh nghiệp do bà Hoàng Phi Huyền làm Tổng Giám đốc chứa chất cấm / Thu hồi, tiêu hủy 33 loại mỹ phẩm của công ty Nguyễn Hoàng Na
Những biện pháp tiết kiệm điện thú vị
Trước tình trạng khủng hoảng năng lượng diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đối mặt với nguy cơ thiếu điện trước các đợt nắng nóng như thiêu như đốt, nhiều quốc gia đã phát động các chiến dịch tiết kiệm điện với những biện pháp đơn giản, thú vị mà rất hiệu quả và thiết thực.
Nổi tiếng phải kể đến chiến dịch "Cool Biz" (Công sở mát mẻ) do Thủ tướng Koizumi phát động vào mùa hè năm 2005. Theo đó, khuyến khích các nhân viên mặc những bộ quần áo đơn giản, mát mẻ và giảm sử dụng điều hoà trong những tháng mùa hè. Thủ tướng Koizumi đã cam kết sẽ không đeo cà vạt trong suốt chiến dịch, ngoại trừ những cuộc họp cấp cao. Trong chiến dịch Cool Biz lần thứ nhất, Nhật Bản đã cắt giảm được 460.000 tấn khí thải CO2, tương đương lượng khí thải của 1 triệu hộ gia đình thải ra trong mỗi tháng.
Chiến dịch "Công sở mát mẻ" do Thủ tướng Koizumi phát động vào mùa hè năm 2005.
Nhật Bản khuyến khích các nhà hàng, văn phòng trồng các loại cây xanh để tạo bóng râm và làm mát không phí bên trong. Sử dụng các thiết bị điện thông minh, tiết kiệm năng lượng là lựa chọn được đa số người dân Nhật Bản lựa chọn.
Gần đây, các công ty điện lực Nhật Bản đưa ra các phần thưởng để khuyến khích các hộ gia đình giảm sử dụng điện. Theo báo chí địa phương, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch thưởng khoảng 2.000 yên (14,5 USD) cho các hộ gia đình tiết kiệm năng lượng.
Các công ty tư nhân của Hàn Quốc, vốn nổi tiếng khắt khe trong ăn mặc song cũng bị ảnh hưởng bởi làn sóng Cool-Biz từ Nhật Bản. Chiến dịch tương tự dưới tên gọi “Coolmaepsi”, nghĩa là “phong cách mát mẻ” cũng được phát động. Theo đó, nam giới và phụ nữ được phép mặc áo phông, quần ngắn và đi dép sandal đến nơi làm việc. Không mấy người biết rằng, chiến dịch Coolmaepsi đã giúp làm giảm nhiệt độ hợp lý xuống 2°C và giảm việc sử dụng điều hòa. Đồng thời, nó còn giúp cắt giảm 1,97 triệu tấn khí thải CO2.
Với Trung Quốc, các doanh nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng sẽ bị đóng cửa hoặc yêu cầu giảm khối lượng sản xuất, các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng sẽ được khuyến khích phát triển. Chính quyền sở tại sẽ điều hành công tác tiết giảm điện, với nguyên tắc thực hiện là cắt giảm công nghiệp trước, ưu tiên bảo đảm điện cho dân sinh, việc tiết giảm điện được lập kế hoạch theo tháng, tuần.
Một số quốc gia châu Âu còn luật hóa việc tiết kiệm điện. Trong đó, Bỉ đã luật hoá việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện. Chính phủ Pháp thì triển khai "Kế hoạch An toàn Năng lượng" nhằm cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng. Nội dung đáng chú ý là quy định nhiệt độ hệ thống sưởi và điều hòa ở mức tương ứng là 19°Cvà 26°C
Chính phủ Tây Ban Nha đã chính thức công bố các quy định tiết kiệm điện giữa tuần này. Doanh nghiệp không được phép bật điều hòa làm mát dưới 27°C hoặc làm ấm trên 19°C vào mùa đông. Quy định có hiệu lực đến tháng 11/2023.
Italia khuyến khích mọi người tắm nhanh hơn, chỉ sử dụng máy rửa bát và máy giặt khi đã đầy tải cũng như không để các thiết bị gia dụng ở chế độ chờ.
Người Italy chỉ sử dụng máy rửa bát khi đã đầy tải, không để các thiết bị gia dụng ở chế độ chờ.
Cơ quan chức năng Đan Mạch đã đưa ra nhiều đề xuất tiết kiệm điện, bao gồm: giảm tắm nước nóng từ 15 phút xuống 5 phút, sử dụng dây phơi quần áo thay cho máy sấy, sử dụng các thiết bị như máy rửa bát vào ban đêm để tận dụng điện giá thấp hơn. Các biện pháp này được cho là giúp các gia đình tiết kiệm trên 1.000 USD mỗi năm.
Bài học cho Việt Nam
Qua kinh nghiệm các nước cho thấy, giải pháp đầu tiên cho Việt Nam trong việc tiết kiệm điện là tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức rõ sự cần thiết của tiết kiệm điện, từ đó tiến tới thay đổi hành vi.
Các hoạt động tiết kiệm điện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục tại các cơ quan, công sở, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện... trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời, chiếu sáng giao thông; thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ, cơ sở sản xuất.
Nhiều bảng hiệu ở TP Hồ Chí Minh tắt sau 22h để thực hiện tiết kiệm điện (Ảnh: VGP).
Việc tiết kiệm điện không chỉ đơn thuần là kêu gọi nâng cao ý thức, mà cần có những chế tài cụ thể cho người sử dụng điện.
Đi kèm với yêu cầu người dân sử dụng điện có trách nhiệm thì các bộ ngành, đơn vị liên quan cũng có trách nhiệm hơn để lo bảo đảm cung ứng điện cho đất nước với tầm nhìn dài hạn, bền vững.
Chỉ khi thực sự nhìn vào những vướng mắc để tháo gỡ một cách thực chất trong cả đầu tư nguồn và lưới điện, tạo ra hạ tầng sạch và thị trường điện hoàn chỉnh; chỉ khi thực sự cùng hành động để lo nguồn điện cho tương lai, gắn với thực thi có hiệu quả các yêu cầu sử dụng điện tiết kiệm, thì lúc đó bài toán thiếu điện mới được giải quyết một cách triệt để.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo