Môi trường

Tiểu vùng sông Mekong: 40 năm, mất 40 triệu ha rừng

Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) công bố báo cáo cho biết 5 nước tại Tiểu vùng sông Mekong đã mất gần 1/3 diện tích rừng (khoảng 40 triệu ha) trong 40 năm qua, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống động vật hoang dã và con người.

(Tuổi Trẻ) Dựa vào số liệu thu thập từ vệ tinh và theo dõi số liệu kề từ năm 1973-2013, các nhà khoa học WWF cho hay tính đến nay, Campuchia mất 22% diện tích rừng, Lào và Myanmar mất 24%, còn Thái Lan và Việt Nam mất tới 43%.

Đặc biệt, tình trạng phân mảnh rừng đáng báo động, các khu rừng “cốt lõi” - khu vực có ít nhất 3,2 km2 rừng liền mạch - bị sụt giảm từ 70% diện tích rừng vào năm 1973 xuống còn 20% vào năm 2009, đe dọa tới môi trường sống các loài động vật tại đây như hổ, voi châu Á, cá heo Irrawaddy và loài sao la đặc hữu - còn được gọi là kỳ lân châu Á.

Báo cáo lưu ý phần lớn diện tích rừng nguyên sinh tại 5 nước trên bị đốn hạ trong quá khứ nhưng nay đã được chú trọng trồng tái tạo rừng. Tại Việt Nam, hiện chỉ còn khoảng 80.000 ha rừng nguyên sinh và nhờ sự quan tâm của chính phủ, tính đến nay có hơn 3,5 triệu ha rừng được trồng mới.

Các nhà khoa học WWF nhấn mạnh nếu chính phủ các nước trên nếu không tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng sẽ dẫn đến hơn 1/3 diện tích rừng tự nhiên còn lại của khu vực Tiểu vùng sông Mekong cũng sẽ biến mất trong vòng hai thập kỷ tới.

 

 

Hồng Lĩnh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo