Việt Nam phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, VN phải thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp từ khâu dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất mới giải quyết được tình trạng dư thừa nông sản, đặc biệt là mặt hàng trái cây khi rơi vào kỳ thu hoạch rộ như vải, thanh long, nhãn...
Đáng tiếc là thông tin dự báo thị trường, cơ sở ban đầu để lập kế hoạch sản xuất và kinh doanh đến nay hầu như rất mỏng.
Ách tắc là do hạ tầng? Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định thời gian qua Chính phủ đã rất quan tâm đa dạng hóa thị trường, chủ trương tăng cường thương mại chính ngạch. Tuy nhiên do đặc thù, Chính phủ vẫn tạo điều kiện việc trao đổi qua biên giới. Vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng ùn tắc dưa hấu, trái cây, mới đây là gạo, theo ông Tuấn Anh, do năng lực thông quan các mặt hàng này không theo kịp sự phát triển của trao đổi hàng hóa hai nước. Do vậy, dù đã được các cơ quan chức năng hai bên tạo điều kiện đẩy nhanh thông quan nhưng do xuất khẩu qua các đường mòn, lối mở là chủ yếu, nên điều kiện cơ sở vật chất chưa phát triển kịp. |
Không ai dự báo thị trường
Những đợt nông sản dư thừa, giá giảm mạnh trong thời gian qua có một điểm chung là nông dân trồng theo phong trào nhưng không biết bán sản phẩm đi đâu. Đầu ra của doanh nghiệp thương mại có giới hạn nên khi sản lượng tăng đột biến hoặc thay đổi về chính sách của nước nhập khẩu là hàng bị ùn ứ.
TS Võ Mai, phó chủ tịch Hội Làm vườn VN, cho biết từ việc dưa hấu ế đến nhiều vụ việc tương tự trong nông nghiệp cho thấy cơ quan nông nghiệp và chính quyền địa phương hầu như không nắm được tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương mình.
Họ không có điều tra về mùa vụ, năng suất, sản lượng nông sản tại địa phương để có cách hỗ trợ nông dân. Đến khi xảy ra sự cố mới tìm cách giải quyết thì đã muộn.
“Không nói đến xuất khẩu, những vụ giải cứu dưa hấu, hành tím thời gian qua cho thấy ngay cả thị trường trong nước cũng còn rất nhiều dư địa để tiêu thụ nông sản nhưng các cơ quan chức năng địa phương chỉ giải quyết khi có sự cố” - TS Võ Mai nói.
Theo TS nông nghiệp Hoàng Quốc Tuấn - nguyên giám đốc Trung tâm Quy hoạch nông nghiệp phía Nam (Bộ NN&PTNT), nhiều năm qua do thiếu thông tin, nông dân mày mò trồng, còn doanh nghiệp thì tìm cách bán cái mà nông dân làm ra chứ không phải do thị trường yêu cầu.
Ông Tuấn phân tích ngoại trừ một số cây nông nghiệp như cà phê, tiêu, hạt điều… đã có sẵn thị trường và VN có lợi thế hơn hẳn, đa số các mặt hàng nông sản khác nông dân đều sản xuất theo kiểu tù mù.
Họ không biết thị trường đang cần gì nên phải mò mẫm tìm loại cây trồng mà theo họ là có khả năng cho lời vào vụ tới. Điều này rất dễ dẫn tới sản xuất phong trào và hậu quả là dư thừa. Doanh nghiệp VN cũng chủ yếu tìm cách tiêu thụ những sản phẩm nông dân làm ra chứ không phải ngược lại, tức là xuất phát từ nhu cầu thị trường.
“Điều này có lỗi do cả Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương”, theo ông Tuấn. Với vai trò của mình, Bộ Công thương phải là nơi cung cấp các thông tin thị trường trong nước và xuất khẩu cho doanh nghiệp, người dân về nhu cầu hàng hóa, chất lượng sản phẩm, điều kiện cạnh tranh…
Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT sẽ lựa chọn các vùng sinh thái có lợi thế nhất để quy hoạch phát triển loại sản phẩm và hướng dẫn nông dân canh tác. “Đáng tiếc là các cơ quan chức năng đều chưa làm tròn vai trò của mình và cuối cùng nông dân phải gánh chịu” - ông Tuấn khẳng định.
Thay đổi theo quy trình thế giới
Theo ông Hoàng Quốc Tuấn, VN nên học cách phát triển nông nghiệp mà các quốc gia tiên tiến đã áp dụng. Lấy ví dụ từ cây mắc ca. Dù giá mắc ca có xu hướng tăng trong khoảng 30 năm qua nhưng nước sản xuất mắc ca lớn nhất thế giới là Úc vẫn giới hạn sản lượng hằng năm chỉ khoảng 45.000 tấn hạt.
“Họ có đủ điều kiện về đất đai, hệ thống chế biến hiện đại để tăng diện tích trồng lên rất nhanh nhưng không trồng, vì họ xác định làm ở mức nào để có lợi nhuận cao nhất trên đồng vốn bỏ ra chứ không phải là làm sao diện tích lớn nhất hay sản lượng lớn nhất” - ông Tuấn nói.
Do đó Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT cần phải phối hợp với nhau để phân tích lợi thế của từng ngành hàng nông nghiệp VN cũng như phương án tổ chức sản xuất phù hợp nhất. Đầu tiên Bộ Công thương phải nghiên cứu thị trường (trong nước và xuất khẩu) của từng mặt hàng cụ thể.
Căn cứ vào thị trường tiêu thụ cần phải phân tích xem mình có lợi thế hay không với các quốc gia khác thì mới tiến hành. Nhu cầu của thị trường là bao nhiêu, họ mua theo tiêu chuẩn nào. Từ đó doanh nghiệp mới ước tính khả năng xuất khẩu mà đặt hàng nông dân. Khi đó Bộ NN&PTNT căn cứ vào tình hình thổ nhưỡng, địa lý các địa phương mà quy hoạch vùng nào trồng cây gì phù hợp, có lợi thế để khuyến cáo người dân triển khai sản xuất.
Còn theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn (IPPSAD), nguyên nhân chính của tình trạng nông sản lúc thừa lúc thiếu vừa qua là do thiếu một đội ngũ doanh nghiệp đầu tư bài bản theo chuỗi giá trị. Dù chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp đã có nhưng hiệu quả thực tế lại thấp. Chính sách quan trọng nhất là đất đai thì bị giới hạn bởi hạn điền rất khó tích tụ. Doanh nghiệp đầu tư vào vùng nguyên liệu phải hợp tác với rất nhiều nông dân nên rất rủi ro.
“Doanh nghiệp sẽ không đầu tư lâu dài nếu các điều kiện về quy hoạch và vùng nguyên liệu không ổn định lâu dài. Do đó doanh nghiệp trong nông nghiệp VN có khá nhiều nhưng lại tập trung chủ yếu ở các khâu thương mại là cung cấp vật tư đầu vào và mua bán sản phẩm đầu ra” - TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, VN đang có quan hệ thương mại nhiều loại hình với Trung Quốc như chính ngạch (qua hợp đồng thương mại) và thương mại qua biên giới, quen gọi tiểu ngạch.
Thực tế VN thường xuất khẩu nông sản, trái cây, thủy sản, sản phẩm tiêu dùng, cả sản phẩm tạm nhập tái xuất của các quốc gia khác sang Trung Quốc qua tiểu ngạch, ông Trần Tuấn Anh cho rằng khi tham gia loại hình này nông dân và doanh nghiệp cũng có thuận lợi. Đơn cử là không gặp phải điều kiện khắt khe kiểm dịch; trao hàng, nhận tiền trực tiếp...
Tuy nhiên cơ chế này cũng tiềm ẩn rủi ro, như thay đổi chính sách của chính quyền nước bạn, ngay cả chính quyền địa phương. Đặc biệt, chính sách kinh doanh của doanh nghiệp Trung Quốc thì không thể dự báo nên có thể gây ùn tắc.
Do đó về lâu dài cần có biện pháp căn cơ, tái cơ cấu để gắn kết sản xuất và tiêu thụ, nâng cao chất lượng canh tác, nâng quy mô sản xuất lớn hơn, nâng chất lượng để tiến vào thị trường lớn của thế giới. Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm với Bộ NN&PTNT, các địa phương về xuất khẩu nông sản, từ đó cụ thể hóa trách nhiệm, phối hợp các khâu sản xuất chế biến, vận chuyển... để đảm bảo lợi ích của nông dân.
Theo Tuổi trẻ