Tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
“Chúng ta đang ngồi trên một đống tiền mà cứ lo không có tiền cho đầu tư phát triển. Tôi có cơ sở để nói điều này”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dường như muốn chạm vào điểm nhạy cảm nhất của nền kinh tế vào thời điểm này, khi yêu cầu tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng tưởng kinh tế đang được Chính phủ đặt hàng.
Đống tiền trong tính toán của ông Cung, không chỉ nằm trong dân như khá nhiều nghiên cứu vẫn hay nhắc tới. “Tôi muốn nói đến khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Khu vực này đang nắm giữ nguồn lực cũng như dư địa cải cách để tạo nên tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Cung nhấn mạnh tại Hội thảo Tổ chức thực hiện cơ cấu lại DNNN hiệu quả và thực chất do CIEM tổ chức, báo Đầu tư đưa tin.
Cụ thể, soi vào Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016 - 2020 (đã được ban hành theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg), chỉ cần thực hiện đúng tiến độ, với nguyên tắc là tối thiểu hóa tỷ lệ vốn nhà nước giữ lại trong doanh nghiệp, thì giá trị sổ sách phần vốn nhà nước thu hồi từ hoạt động này có thể đạt trên 296.000 tỷ đồng (xem bảng).
Cùng với đó, nguồn thu từ thoái vốn nhà nước tại các công ty đại chúng đang niêm yết và trong kế hoạch niêm yết đang được các chuyên gia dự tính có thể đạt tới 15% GDP trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.
“Nếu cổ phần hóa còn đôi chút ‘ngần ngừ’ do lo ngại bán không đúng giá, chậm trễ trong định giá, thì thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang niêm yết có thể làm ngay và chắc chắn sẽ đúng theo giá trị trường. Sẽ cần một vài thao tác kỹ thuật và nghệ thuật bán hàng để tối đa hóa giá trị mà không ảnh hưởng đến thị trường, nhưng việc này chuyên gia xử lý được”, ông Cung khẳng định.
Theo tin tức trên báo Hải quan, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng tái cơ cấu DNNN là một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế. Ông khẳng định, nếu chúng ta nâng cao được hiệu quả sử dụng tài sản Nhà nuớc và tài sản Nhà nước chỉ cần tăng thêm 1% thì chúng ta sẽ thu về thêm 3-4 tỷ USD. Số tăng thêm này sẽ đóng góp thêm 1,5 % cho tăng truởng GDP và theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ có thể đạt mức 8% chứ không chỉ là con số 6,7% như mục tiêu chúng ta đang phấn đấu. Nhấn mạnh nguồn lực tăng trưởng còn nhiều, DNNN nói riêng vẫn là dư địa để cải cách đặc biệt là ở việc tái cơ cấu khu vực kinh tế Nhà nuớc, cụ thể là khu vực DNNN, ông Cung cho rằng nếu làm tốt việc tái cơ cấu DNNN, chúng ta sẽ thúc đẩy tăng trưởng đúng với tiềm năng của nó mà không còn phải cố gắng để tăng thêm một vài điểm % bằng cách khai thác thêm khoáng sản như hiện nay. Vì thế, tái cơ cấu DNNN một cách hiệu quả, thực chất là một trong những ưu tiên, mối quan tâm hàng đầu.
Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần tái cấu trúc danh mục tài sản nhà nước đầu tư tại các DN hiệu quả và thực chất nhằm thu hồi tối đa vốn nhà nước từ CPH để đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của DNNN. Cụ thể, cần khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa 137 DNNN theo Quyết định 58 đề ra và nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm tối đa tỷ lệ cổ phần nhà nước.
Ông Trung cũng cho rằng cần tiếp tục thu hẹp diện DN Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện đúng chủ trương "hầu hết các DNNN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần”, rà soát danh mục DN 100% vốn nhà nước theo Quyết định 58 để tiếp tục bổ sung vào danh mục cổ phần hóa. “Theo đó, sau năm 2020 chỉ nên giữ 100% vốn nhà nước đối với một số DN thuần túy cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích và khó thu hút đầu nhà đầu tư bên ngoài. Các DN còn lại đều có thể cổ phần hóa không phân biệt ngành, lĩnh vực hoạt động, kể cả các công ty xổ số”, ông Phạm Đức Trung đề xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng