Xã hội

Tin bão Kujira: Cơn bão số 1 sẽ đổ vào đất liền lúc 1h sáng 24/6

(DNVN) - Đánh giá cơn bão số 1 (Kujira) nguy hiểm không kém cơn bão Ramasun từng đổ bộ vào Quảng Ninh năm 2014, Bộ trưởng Phát cảnh báo các đơn vị, chính quyền địa phương các cấp không được chủ quan, lơ là trong công tác ứng phó.

Tin tức cho biết, trước diễn biến phức tạp của bão số 1, chiều nay (23/6), Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát – Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chủ trì họp khẩn, bàn giải pháp ứng phó với bão.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, sau khi di chuyển ổn định và đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), sáng 23/6, bão số 1 bất ngờ đổi hướng về phía Tây và tâm bão đi dần vào Việt Nam.

Dự kiến đến 1 giờ sáng 24/6, bão sẽ đổ bộ vào khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh, sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10. Tâm bão dự kiến nằm từ khu vực Hạ Long đến Cẩm Phả (Quảng Ninh) với sức gió giật tới cấp 9, cấp 10. Các khu vực lân cận như Hải Phòng, Bắc Giang có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8.
Trong ngày 24/6, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc và tạo thành vùng áp thấp ở khu vực miền núi tỉnh Cao Bằng. Do ảnh hưởng của bão, ở Bắc Bộ có mưa trên diện rộng. Riêng khu vực Đông Bắc và vùng núi, trung du Bắc Bộ, lượng mưa lớn vào khoảng 200 - 300mm. Tại Lạng Sơn, mưa có thể lên tới 300 - 400mm.

Đánh giá về cơn bão số 1, ông Cường cho rằng, cường độ bão không mạnh nhưng diễn biến mưa phức tạp, có khả năng xuất hiện lũ ống, lũ quét tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Hà Giang…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ Trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu lãnh đạo cấc tỉnh có tâm bão đi qua, trước 17h chiều ngày 23.6, phải kêu gọi các tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt, phải lưu ý đến tàu du lịch, tàu vận tải,…

Đối với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, lãnh đạo phải có phương án đề phòng khi sự cố sạt lở, lũ quét xảy ra; phải đi xuống các địa phương, vùng núi có nguy cơ sạt lở núi kiểm tra. Lãnh đạo các tỉnh này phải cương quyết không để dân ở trong những vùng nguy hiểm.

Để nhấn mạnh tầm nguy hiểm của cơn bão, người đứng đầu Bộ NN-PTNT cho biết, cơn bão số 1 có đường đi gần giống cơn bão Ramasun đổ bộ vào Việt Nam năm 2014: “Khi vào đất liền, bão Ramasun không mạnh nhưng đến tối 19/7, mưa lớn xảy ra tại khu vực miền núi. Kết quả, cơn bão này làm chết 31 người và 1 người mất tích. Nặng nề nhất là tỉnh Lạng Sơn với 6 người chết”.

Quang cảnh buổi họp.
Quang cảnh buổi họp.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Phát lưu ý các đơn vị không được chủ quan, tránh hậu quả nghiêm trọng như cơn bão Ramasun đã để lại. Chính quyền địa phương các cấp không chủ quan lơ là trong công tác ứng phó bão số 1; tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn; Chủ động ứng phó mưa lớn hoàn lưu sau bão; Đảm bảo an toàn tính mạng người dân vùng có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; Khẩn trương rà soát đảm bảo an toàn các hồ chứa thủy lợi và sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Ngoài việc phòng ngừa lốc cục bộ, các khu vực tập trung mưa lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, các đơn vị phải đôn đốc, kiểm tra nơi có nguy cơ sạt lở núi. Đối với các hồ đập, Ban chỉ đạo đề nghị Tổng Cục thủy lợi có văn bản riêng, yêu cầu người canh gác vận hành, không để xảy ra việc vỡ đập như vụ việc ở tỉnh Quảng Ninh năm 2014.

Hầu hết tàu thuyền đã được neo đậu vào bờ, an toàn. Ảnh minh họa.
Hầu hết tàu thuyền đã được neo đậu vào bờ, an toàn. Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Biên phòng các tỉnh, thành từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, trong ngày 23/6, các đơn vị đã phối hợp với các địa phương  hướng dẫn cho 65.000 tàu thuyền, vào nơi tránh, trú bão an toàn.

Tại tỉnh Quảng Ninh, có 460 chiếc tàu du lịch, 321 tàu xa bờ… đã tránh bão an toàn, còn lại 6 chiếc vẫn chưa liên lạc được. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu sơ tán dân trên các lồng bè ở khu vực từ Cẩm Phả đến Móng Cái và phải hoàn tất trước 17h ngày 23/6.

 

Tại Đồ Sơn – Hải Phòng, lãnh đạo quận đã thông báo cho 286 tàu thuyền trú bão an toàn, và thông báo hướng đi của bão để tim nơi tránh cho 536 phương tiện trên khu vực huyện đảo Bạch Long Vĩ. Các địa phương đã chuẩn bị vật tư, phương tiện cứu hộ cứu nạn sẵn sàng ứng phó với cơn bão.

Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng đã huy động 31.407 cán bộ chiến sĩ, với 1.278 phương tiện các loại bao gồm: máy bay, tàu, xuồng sẵn sàng cơ động ứng phó bão tại các địa bàn trọng điểm. Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn hướng Hải Phòng – Quảng Ninh và đặc biệt là khu vực phía Đông Bắc sẵn sàng các phương tiện ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo