Thị trường

Tín dụng chỉ tăng 3,3% so với cuối năm 2011

Bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: Tín dụng của nền kinh tế đã tăng trở lại 3,3% so với cuối năm 2011, sau khi tăng trưởng âm trong 5 tháng đầu năm.

Sáng nay 5/11, Học viện Ngân hàng tổ chức tọa đàm “Đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ 10 tháng đầu năm năm 2012 và khuyến nghị chính sách”.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng của nền kinh tế đã tăng trở lại 3,3% so với cuối năm 2011, sau khi tăng trưởng âm trong 5 tháng đầu năm.

Cùng với mức tăng trưởng trên, cơ cấu tín dụng cũng được chuyển đổi, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, tín dụng xuất khẩu tăng cao nhất, đạt mức 10,76%, tiếp đến là tín dụng nông thôn. Tuy nhiên, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hạn chế bởi khả năng thích ứng của đối tượng doanh nghiệp này với nền kinh tế còn kém.

 

 

Tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hạn chế bởi khả năng thích ứng của đối tượng doanh nghiệp này với nền kinh tế còn kém. Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đánh giá về mức tăng trưởng tín dụng 10 tháng qua, nhất là 5 tháng đầu năm liên tục âm, bà Nhung cho rằng: Tín dụng tăng thấp do lực cầu yếu làm giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; Nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp lớn nhưng huy động trung và dài hạn khó khăn.

Bên cạnh đó, nợ xấu tăng cao dẫn đến ngân hàng thận trọng hơn trong cho vay, hồ sơ vay vốn cũng phải thẩm định kỹ lưỡng hơn nên phần nào ảnh hưởng đến mở rộng tín dụng. Ngoài ra, khả năng quản trị của doanh nghiệp thấp nên không đủ khả năng đứng vững trước khó khăn, dẫn tới sử dụng vốn không tốt. Thị trường bất động sản còn nhiều bất cập trong chính sách, phân khúc nhà ở xã hội chưa được quan tâm đúng mức... nên cũng ảnh hưởng nhiều đến mức tăng trưởng tín dụng chung.

Để tháo gỡ khó khăn cho hệ thống, theo đại diện
Ngân hàng Nhà nước, trong những tháng cuối năm, cơ quan này sẽ kiên trì những chính sách đã đề ra trong 6 tháng đầu năm, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tổ chức giám sát việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của tổ chức tín dụng. Với những tổ chức có nhu cầu mở rộng, khả năng quản trị tốt, Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép mở rộng tín dụng.

Đặc biệt,
Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về nợ xấu. Hiện Ngân hàng Nhà nước kiến nghị các bộ ngành cùng tháo gỡ vấn đề này như kiến nghị Bộ Công thương có giải pháp tháo gỡ hàng tồn kho, Bộ Tài chính đẩy nhanh cho phép bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn ngân hàng thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm đến việc thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Riêng thị trường bất động sản,
Ngân hàng Nhà nước đề xuất tập trung tháo gỡ tồn kho, có chính sách đổi với cho vay với người thu nhập thấp.

Về lãi suất, theo đánh giá từ đại diện
Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm. Đầu năm 2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra mục tiêu lãi suất giảm 1%, nhưng do lạm phát kiểm soát ở mức thấp nên lãi suất được giảm nhanh hơn dự kiến. Đến nay, các mức lãi suất chủ chốt đã giảm 5%. Còn các khoản cho vay cũ, các tổ chức tín dụng cũng đã điều chỉnh xuống dưới 15%/năm.

Đến nay, dư nợ các khoản vay lãi suất dưới 15% chiếm tỷ trọng khoảng 90%. Đại diện
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh sẽ giám sát chặt chẽ lãi suất, đảm bảo lãi suất không tăng trong những tháng cuối năm.

 

 

Thảo Nguyên (Theo Dân trí)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo