Tín dụng ngoại tệ tăng vọt gấp 6 lần
Cụ thể, tính đến cuối tháng 11/2017, tổng tín dụng ước tăng 2,8% so với tháng 10, đồng thời tăng 15,3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, điểm đáng chú ý là tín dụng bằng ngoại tệ có mức tăng gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 12%.
Việc gia tăng này ngoài nguyên nhân là do kim ngạch nhập khẩu 11 tháng đầu năm tăng tăng khá cao (tăng 21% so với cùng kỳ, đạt 191 tỷ USD) kéo theo nhu cầu vay ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa tăng theo, nguyên nhân quan trọng hơn chính là do lãi suất cho vay bằng đồng USD (kỳ hạn ngắn từ 2,8 - 4,7%/năm) hiện đang ở mức thấp hơn tương đối so với lãi suất vay bằng VND (6,5 - 9%/năm).
Mặc dù NHNN đã rất nỗ lực trong việc chống đô la hóa bằng cách định hướng chuyển quan hệ cho vay sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Tuy vậy, thực tế khách quan từ thị trường cho thấy nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu là chính đáng, nhất là khi họ có đủ khả năng đảm bảo nguồn ngoại tệ để trả nợ và việc vay bằng ngoại tệ sẽ giúp họ tiết kiệm được một phần chi phí lãi vay.
Trước thực tế trên, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN, trong đó nội dung trọng tâm là tiếp tục kéo dài thời hạn cho vay ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán đến hết năm 2018.
Trong một diễn biến có liên quan, theo báo cáo mới đây được công bố bởi Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam đạt 385,77 tỷ USD tính đến hết tháng 11 năm 2017. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 194,47 tỷ USD tăng 21,5% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu đạt 191,3 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ.
Như vậy, tính từ năm 2007, thời điểm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, đến nay kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã đạt mức tăng gấp 4 lần, từ mức gần 100 tỷ USD lên gần 400 tỷ USD. Bên cạnh đó, cán cân cán cân thương mại hàng hóa của cả nước 11 tháng năm nay đạt mức thặng dư cao nhất kể từ trước đến nay với 3,17 tỷ USD, với động lực chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp FDI.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong khi khối doanh nghiệp FDI trong 11 tháng năm 2017 thặng dư 23,85 tỷ USD, thì khối các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước thâm hụt tới 20,67 tỷ USD. Diễn biến của cán cân xuất nhập khẩu Việt Nam chuyển từ nhập siêu sang thặng dư trong 2 năm trở lại đây là yếu tố thuận lợi hỗ trợ NHNN trong việc điều hành tỷ giá, cũng như gia tăng nguồn dự trữ ngoại tệ, qua đó giúp tỷ giá ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào thị trường Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo