Thị trường

Tín dụng tam nông: Tiền đi trước, chính sách chưa... theo sau

Cơ chế hỗ trợ tín dụng tam nông gần như... “dọn cỗ” nhưng chính sách về định hướng danh mục đầu tư trong nông nghiệp, quy hoạch vùng, phát triển hệ thống sàn đấu giá, giao dịch bảo đảm tiền vay, bảo hiểm cho vay nông nghiệp vẫn chuyển động không đáng kể.

Trần lãi suất ưu tiên cho 5 lĩnh vực ưu tiên luôn thấp hơn lãi suất cho vay các lĩnh vực khác từ 1% - 2%/năm và sau đợt cắt giảm vừa qua, chỉ còn 7%/năm.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, trong 3 năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp qua các công cụ chính sách tiền tệ cho lĩnh vực tam nông.

“Mâm, bát” đã sẵn sàng

Có thể thấy một số điểm nhấn về chính sách và cơ chế như: hỗ trợ tín dụng kinh doanh xuất khẩu gạo (Thông tư 08 hướng dẫn thực hiện Nghị định 109); triển khai cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo; chỉ đạo ngân hàng thương mại giãn nợ tối đa 24 tháng, cơ cấu lại nợ cho khách hàng khu vực nông thôn; tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 540 về tín dụng cho tôm, cá tra và gần đây nhất là Nghị định 67 về phát triển thủy sản.

Cụ thể hơn, với công cụ dự trữ bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước cho phép những ngân hàng nào có dư nợ “tam nông” từ 40%/tổng vốn cho vay trở lên thì tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ bằng 1/5 so với mức thông thường.

Cùng đó, trần lãi suất ưu tiên cho 5 lĩnh vực ưu tiên luôn thấp hơn lãi suất cho vay các lĩnh vực khác từ 1% - 2%/năm và sau đợt cắt giảm vừa qua, chỉ còn 7%/năm.

Hoặc trước đó, ngày 22/6/2012, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 22/2012/TT-NHNN hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hộ gia đình vay đầu tư máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, vay đầu tư kho dự trữ lúa gạo, ngô; kho lạnh bảo quản hải sản, kể cả kho lạnh trên tàu đánh bắt thủy sản được miễn lãi trong 2 năm đầu và chỉ phải trả 50% lãi suất so với các khoản vay thông thường ở các năm tiếp theo...

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay, tháo gỡ rào cản vay vốn để các hộ nông dân, doanh nghiệp khu vực nông thôn tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn.

Lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng này đang chuẩn bị triển khai nghiệp vụ “ngân hàng trên ôtô”. Có nghĩa, thành lập tổ cho vay vốn lưu động, dùng ôtô chở tiền, kèm theo là nhân viên tín dụng, kế toán xuống tận vùng sâu, vùng xa để cho vay.

Một hỗ trợ nữa là đối với các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ nông nghiệp mà trong nước chưa sản xuất được sẽ được gia hạn vay ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng.

Đến thời điểm này, qua phản ánh của một số nhân viên tín dụng ngân hàng của BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, hầu hết các doanh nghiệp khu vực nông thôn, đặc biệt là doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, có thị trường đều được ngân hàng chào đón, mời mọc.

Chính sách khác vẫn đủng đỉnh


Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến hết tháng 10/2014, tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với khu vực nông nghiệp nông thôn ở mức trên 20%, lớn gấp đôi so với cuối năm 2011.

Mặc dù đây chưa phải là con số cuối cùng vì theo định hướng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, nhà điều hành đang muốn gia tăng tỷ trọng cho khu vực “tam nông” nhưng không hoàn toàn theo cách “vãi vốn” cho hộ cá thể như trước mà là cho vay theo chuỗi, dự án khép kín từ vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Tuy nhiên, để làm được điều này thì các chính sách khác của ngành nông nghiệp (quy hoạch vùng, cơ chế liên hoàn theo chuỗi giá trị...), sàn đấu giá hàng hóa, bảo hiểm nông nghiệp lại gần như đang đứng im.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Danh Lương, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, để định hướng tín dụng “tam nông” phát huy hiệu quả cao nhất thì các chính sách khác phải đồng bộ. Trước hết, cần có định hướng rõ ràng về danh mục đầu tư, tập trung vào các ngành có giá trị kinh tế cao và ổn định. Đi theo đó là kiểm soát giá cả, phát triển thị trường hàng hóa cũng như hệ thống kết cấu hạ tầng.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải phối hợp với các địa phương xây dựng chiến lược, quy hoạch các vùng sản xuất quy mô lớn với mô hình sản xuất “công nghiệp hóa nông nghiệp” gắn với lợi thế so sánh vùng; mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Trên thực tế, việc quy hoạch diễn ra khá chậm chạp khi mà đã 2 năm nay, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố dành cả chục nghìn tỷ đồng cho tái canh cây cà phê nhưng đến nay, vẫn chưa có quy hoạch nên ngân hàng không thể cho vay.

Song song, cần phải xây dựng và phát triển hệ thống sàn đấu giá hàng hóa để đảm bảo cung cầu giá cả nông sản được minh bạch; đồng thời, tiết kiệm chi phí giao dịch và lưu thông, tránh tình trạng đầu nậu chèn ép nông dân.

Một trăn trở khác kéo dài nhiều năm nay là bảo hiểm nông nghiệp. Mặc dù các diễn đàn, hội thảo chuyên ngành bàn đến rát tai về vấn đề này nhưng đến nay, số doanh nghiệp tham gia bảo hiểm nông nghiệp chỉ dăm đơn vị và sản phẩm rất nghèo nàn.

Thậm chí, LienVietPostbank và một đối tác từng khua chiêng gõ mõ ký kết hợp đồng bảo hiểm cho vay nông nghiệp nhưng đã gần 3 năm qua, không một khoản vay nông nghiệp nào của LienVietPostbank được đính kèm bảo hiểm.

Thế nên, ông Danh cho rằng, bằng mọi cách phải đưa bảo hiểm nông nghiệp đi vào cuộc sống; nhờ đó, nông dân yên tâm vay, còn ngân hàng cũng không e ngại mất vốn.

Vneconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo