Tín dụng tăng cao, BIDV vẫn lãi hàng nghìn tỷ
Với mức lãi 4.260 tỷ, dù tăng 16 tỷ so với năm 2011 nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch mà BIDV đề ra. Năm 2012, BIDV cũng lỡ hẹn chào sàn chứng khoán do lo ngại sự sụt giảm của thị trường và khó khăn chung.
Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông báo kết quả kinh doanh năm 2012. Tính đến hết năm, tổng tài sản tăng trưởng 19,3% lên 492.201 tỷ đồng và là ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ 2 hệ thống (sau Agribank). Trong cả năm 2012, nhà băng này huy động được hơn 360.000 tỷ đồng - đạt mức tăng trưởng 26%, vượt xa mức tăng trưởng 16% của toàn ngành.
BIDV cũng là một trong ít những ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2012 khi tăng trưởng tín dụng 16,5%, gần gấp đôi so với con số trung bình của toàn hệ thống là 8,91%. Nếu loại trừ dư nợ cho vay bằng nguồn ADB và dư nợ đối với các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư ở nước ngoài, người không cư trú thì tăng trưởng thực tế đạt 14,1%.
Theo báo cáo của BIDV, nợ xấu tính đến cuối năm 2012 ở mức 2,7%. Như vậy, trong quý IV, ngân hàng đã cơ cấu lại nợ và đưa nợ xấu giảm từ mức 3% theo báo cáo đến cuối tháng 9.
Với mức tăng trưởng và huy động vốn cao, BIDV cho biết lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 4.259 tỷ đồng, tăng 16 tỷ so với năm 2011. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn chưa đạt mục tiêu 5.800 tỷ đặt ra đầu năm cũng như mục tiêu 4.272 tỷ đồng mới điều chỉnh gần đây. Theo lý giải của BIDV, lợi nhuận năm 2011 không đạt chỉ tiêu là do ngân hàng phải chấp nhận giảm lãi để chia sẻ cùng doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. "Doanh nghiệp khó khăn, rủi ro với hoạt động ngân hàng cũng gia tăng nên BIDV phải tăng trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo an toàn hoạt động, hạ nhanh lãi suất cho vay trong khi lãi suất tiền gửi vẫn thực hiện theo cam kết", ngân hàng này cho biết.
Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của BIDV năm 2012 đạt 0,7% trong khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 12,44%. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, ROA toàn ngành ngân hàng năm 2012 là 0,58%, ROE đạt 5,89%.
Cuối năm 2012, BIDV cũng vừa phải lỡ hẹn niêm yết trên sàn chứng khoán sau khi được chấp thuận niêm yết 2,3 tỷ cổ phiếu tại Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Nguyên nhân khiến cổ phiếu BID chưa thể chào sàn là ngân hàng lo ngại tình hình khó khăn của thị trường và sự sụt giảm trên sàn chứng khoán sẽ gây bất lợi cho quyền lợi cổ đông.
Đây là lần thứ 2 BIDV lỡ hẹn niêm yết sau khi bỏ qua cơ hội hồi tháng 6 cũng với lý do thị trường chứng khoán chưa thuận lợi và vướng mắc về thủ tục hồ sơ. Nếu chính thức giao dịch, BIDV sẽ là một trong những đơn vị có lượng cổ phiếu niêm yết lớn nhất tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).
Nhật Minh (Theo Vnexpress)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo