Tín hiệu khả quan của xuất khẩu thủy sản Việt Nam
Theo đánh giá của Vasep, thì nhìn vào con số tăng trưởng ngay từ điểm khởi đầu nhiều doanh nghiệp hi vọng hoạt động xuất khẩu sẽ có một năm làm ăn “thuận buồn xuôi gió” hơn. Tuy nhiên, Vasep cũng lo ngại rằng năm nay khi bước gần hơn tới sân chơi rộng của hội nhập, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ gặp phải nhiều khó khăn.
Theo Vasep, nếu tháng 1/2015, giá trị xuất khẩu của ba sản phẩm chủ lực là: tôm, cá tra và cá ngừ sụt giảm mạnh 20,3%; 12,2% và 21,8% so với cùng kỳ năm trước thì sang tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu hầu hết các sản phẩm lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2015, cụ thể như xuất khẩu tôm tăng 10,2%; cá tra tăng 8,3%; cá ngừ tăng 11%; cá các loại khác tăng 32,2%; nhuyễn thể tăng 12,7%; cua ghẹ và giáp xác khác tăng 46,3%.
Theo Vasep, trong năm 2015 giá trị xuất khẩu tôm giảm mạnh nhất trong cơ cấu sản phẩm thủy sản xuất khẩu với 25,3%, đạt 2,95 tỷ USD và chiếm 44%. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng vẫn chiếm 59% với 1,74 tỷ USD, giảm 25% so với năm ngoái; xuất khẩu tôm sú chiếm 32,6% với 963 triệu USD, giảm 30,5%.
Cũng trong năm qua, giá xuất khẩu giảm và thấp, tôm Việt Nam không thể cạnh tranh về giá nổi với tôm Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc hay Indonesia. Giá tôm nguyên liệu trong nước nhiều tháng cao hơn cả giá tôm xuất khẩu. Năm 2015, Việt Nam còn là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Ấn Độ chỉ sau thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, nhờ nỗ lực cân đối sản xuất trong nước, nhập khẩu nguyên liệu và gia tăng xuất khẩu thì đến tháng 1/2016, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đã tăng khả quan hơn, trong đó xuất khẩu chân trắng tăng 4,7% và giá trị xuất khẩu tôm sú tăng 22,6% so với tháng 1/2015.
Về mặt hàng cá, theo Vasep, trong tháng 1/2016, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 149,3 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra tăng tại thời điểm này chưa nói lên được điều gì cho cả năm 2016. Dự báo, xuất khẩu cá tra sang thị trường xuất khẩu Mỹ sẽ giảm dần trong năm nay.
Nguyên nhân được Vasep đưa ra là tâm lý hoang mang của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra từ việc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (FSIS) lại thông báo về việc quyết định triển khai Chương trình Giám sát cá da trơn đối với cá tra nhập khẩu vào Mỹ. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016 (90 ngày sau khi đăng Công báo Liên bang). Mốc thời gian có hiệu lực cũng là thời điểm bắt đầu giai đoạn chuyển đổi 18 tháng đối với các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài.
Về các mặt hàng khác, theo Vasep, ngay tháng 1/2016, giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm hải sản xuất khẩu tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, xuất khẩu cá ngừ đạt 36,8 triệu USD tăng 11%; cá các loại khác đạt 105,9 triệu USD tăng 32,2%; mực, bạch tuộc đạt 38,4 triệu USD tăng 9,8% và nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt 7,26 triệu USD tăng 33,5%; Cua ghẹ và giáp xác khác đạt 13 triệu USD tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 1/2016, giá trị xuất khẩu thủy sản nhiều thị trường lớn tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 26,4%; EU tăng 5,7%; Nhật Bản tăng 4,7%; Trung Quốc và Hong Kong tăng 41,6%; ASEAN tăng 35,2%; Hàn Quốc tăng 12,3%; Australia tăng 5,9%. Nhưng giá trị XK sang Canada giảm 37,7%; Đài Loan giảm 20,3%; Mexico giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Vasep, trong năm 2016, xuất khẩu tôm, cá tra và cá ngừ dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn về thị trường nhập khẩu, khả năng cạnh tranh, giá và sự bất ổn trong tiêu thụ. Do đó, dù các doanh nghiệp đều hi vọng và lạc quan cho một năm mới XK tốt đẹp hơn nhưng để đến đích sớm hơn kế hoạch các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản buộc phải vượt qua rất nhiều rào cản để trưởng thành.
End of content
Không có tin nào tiếp theo