Hỗ trợ doanh nghiệp

23 nhà máy chế biến cá tra đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ

(DNVN) - Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), liên quan đến chương trình giám sát đối với các loại cá thuộc họ Siluriformes nhập khẩu vào Mỹ, tính đến ngày 3/3, Việt Nam đã có 23 nhà máy chế biến cá tra được phía Mỹ công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này.

Theo Vasep, đến ngày 3/3/2016, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cập nhật danh sách các công ty của 4 quốc gia là Việt Nam, Trung Quốc, Myanma và Thái Lan đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ theo Chương trình giám sát đối với loài cá thuộc họ Siluriformes.

Trong đó, có 23 nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam được công nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào Mỹ nằm trong danh sách này. Bên cạnh đó, Trung Quốc có 19 công ty; Thái Lan có 7 công ty và Myanma có 13 công ty xuất khẩu cá da trơn và cá tra nằm trong danh sách.

Danh sách 23 nhà máy chế biến cá tra đủ điều kiện XK đi Mỹ theo thông báo của USDA.

Vasep cho biết, theo Chương trình giám sát đối với loài cá thuộc họ Siluriformes của Mỹ, kể từ ngày 1/3/2016, tất cả các sản phẩm xuất khẩu thuộc loài cá thuộc họ Siluriformes, bao gồm cá da trơn và cá tra của Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền giám sát của FSIS và không còn chịu quy định của FDA nữa. Cũng từ thời điểm này bắt đầu giai đoạn chuyển đổi 18 tháng đối với các nhà sản xuất trong nước và nước ngoài.

Trong suốt khoảng thời gian chuyển đổi 18 tháng, FSIS sẽ tiến hành tái giám sát và lấy mẫu ngẫu nhiên ít nhất 1 lần/quý tại cơ sở NK của Hoa Kỳ để giám định về chủng loại cá cũng như dư lượng hóa chất có trong các lô hàng cá NK thuộc họ Siluriformes. Các nước có mong muốn tiếp tục XK các sản phẩm này vào Hoa Kỳ sau khi kết thúc thời gian chuyển đổi cần phải nộp hồ sơ để xem xét Tiêu chuẩn tương đồng. FSIS sẽ hỗ trợ các nước trong việc làm đơn xem xét tiêu chuẩn tương đồng.

Những nước nộp đầy đủ hồ sơ chứng minh tiêu chuẩn tương đồng đúng hạn 18 tháng sẽ được tiếp tục XK vào Hoa Kỳ trong khi FSIS tiến hành đánh giá một cách đầy đủ, bao gồm cả kiểm tra thực tế tại nơi nuôi trồng và sản xuất tại nước đó. Nếu cần thêm bất kỳ thông tin gì, FSIS sẽ yêu cầu nước đó phải phản hồi hoặc nộp lại tài liệu tiêu chuẩn tương đồng hoàn chỉnh trong vòng 90 ngày kể từ khi FSIS yêu cầu.

Từ ngày 01/3/2016, Chương trình này chính thức có hiệu lực và có giai đoạn chuyển tiếp 18 tháng, sau đó sẽ được hoàn toàn áp dụng từ ngày 01/9/2017. 

Được biết, để kịp thời ứng phó với chương trình giám sát của Mỹ, trước đó, vào tháng 12/2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã yêu cầu các đơn vị có liên quan phối hợp với VASEP gửi cho phía Mỹ danh sách các doanh nghiệp mong muốn tiếp tục xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường này. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng cung cấp thông tin cho Mỹ về các hệ thống luật pháp, hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong sản xuất chế biến cá tra, cá ba sa của Việt Nam theo như yêu cầu của quốc gia này.

 

Giữa tháng 2/2016, Bộ NN&PTNT cũng đã thành lập đoàn liên Bộ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám làm Trưởng đoàn là sang Hoa Kỳ bàn về vấn đề này. Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ hỗ trợ kỹ thuật và kéo dài kỳ hạn 18 tháng để Việt Nam điều chỉnh hệ thống sản xuất phù hợp với Bộ quy định cuối cùng mà phía Mỹ yêu cầu. 

Theo Vasep, từ ngày 24 đến 26/2/2016, Đoàn chuyên gia kỹ thuật của FSIS đã sang Việt Nam làm việc và tiếp tục làm rõ những khúc mắc do phía Việt Nam đưa ra nhằm duy trì xuất khẩu sản phẩm cá tra, basa sang thị trường Hoa Kỳ. Dự kiến, tháng 4/2016, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về chương trình thanh tra cá da trơn tại TP. HCM.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo