Tin mới vụ bé trai bị thang cuốn kẹp tay ở sân bay Tân Sơn Nhất
Sáng 7/4, bé trai tên P. 17 tháng tuổi thiêm thiếp trong lòng mẹ sau ca phẫu thuật tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM. Bông băng quấn gần hết cánh tay phải, thỉnh thoảng cậu bé giật mình khóc, nấc nghẹn, theo tin tức trên báo Vnexpress.
Người mẹ 26 tuổi mắt sưng húp, gương mặt nhợt nhạt. Gia đình cho biết chị khóc suốt từ hôm qua đến giờ vì dằn vặt, thương con. Chồng chị và người thân phải luôn an ủi 2 mẹ con.
Chị kể, chiều qua bế con trai ra sân bay Tân Sơn Nhất, TP. HCM để bay về Đồng Hới (Quảng Bình). Sau khi xong tất cả thủ tục, hai mẹ con ngồi tại sảnh trước khu vực cửa ra số 3, chờ đến giờ lên máy bay.
Cậu bé sau đó trườn khỏi lòng mẹ, đòi chạy đi chơi. Chị dẫn con đi xung quanh một lúc rồi bế con về ghế nhưng cậu bé tiếp tục đòi chạy đi. "Để dụ cháu ngồi yên, tôi lục túi lấy kẹo, lúi húi bóc cho con. Ngước lên không thấy con đâu, tôi chạy tìm thì nghe tiếng khóc thét ở khu vực cầu thang cuốn", chị cho hay.
Mẹ bé trai hoảng hốt thấy tay con kẹt ở nhịp đầu tiên của thang cuốn nên ẵm lên. Bé khóc ngất, máu ra rất nhiều, chị hoảng loạn gọi người trợ giúp.
"Có mấy anh an ninh, bác sĩ của sân bay chạy tới. Mọi chuyện xảy ra chỉ trong vài phút, tôi không thể ngờ con mình lại gặp nạn. Lúc nào tôi cũng đi kè kè với con mà", người mẹ trẻ rưng rưng.
Đội y tế sân bay được điều tới sơ cứu ngay sau đó rồi chuyển bé trai đến Bệnh viện Nhi Đồng 1. Lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng đến bệnh viện thăm hỏi, hỗ trợ gia đình.
BS Mai Trọng Tường, Trưởng Khoa Vi phẫu – Tạo hình BV Chấn thương chỉnh hình TP. HCM cho biết, khoảng 18h ngày 6/4 bệnh viện có tiếp nhận bé trong trình trạng cổ tay bị thương rất nặng. Bé trai nhập viện hoảng loạn và khóc nhiều, báo Trí thức trẻ đưa tin.
Theo bác sĩ Tường, quá trình điều trị cho thấy bé P. bị thương ở cả mặt trước và mặt sau của tay với tỉ lệ lên đến 75%. "Vì bị thang máy đè nên nhiều ngón tay của bệnh nhi bị tím tái. Khả năng tay của bé có thể bị hỏng rất cao do các mô bị dập nát chứ không đứt ngang như những trường hợp thông thường. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi đã cố gắng nối các gân, cơ cho đứa bé", bác sĩ Tường nói.
Hiện tại, bé đã phục hồi về mặt gân, cơ, tuy nhiên khả năng hoại tử, tắc mạch máu có thể trở lại. Bé P. sẽ tiếp tục được theo dõi trong vài tuần tới để xem khi nào các mạch máu thông, song song với việc sử dụng thuốc chống đông máu. Theo bác sĩ, nếu các mạch máu thông, bệnh nhân sẽ tiếp tục được cho tập vật lý trị liệu.
BS. Tường thông tin thêm, bé P. là trường hợp nhỏ tuổi bị tai nạn thang cuốn nặng đầu tiên mà BV tiếp nhận. Vị bác sĩ khuyến cáo, với những trường hợp tai nạn mà nguồn máu nuôi gần như bị cắt như thế này phải tiến hành sơ cứu khẩn cấp, cầm máu rồi chuyển bệnh nhân đến BV càng nhanh càng tốt, bởi nếu trễ thì bệnh nhân có thể phải cắt bỏ tay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo