Môi trường

Chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái: Cần thay đổi cách điều hành

DNVN - Chia sẻ về tính cần thiết của cuộc chuyển đổi từ nền nông nghiệp hiện trạng sang một nền nông nghiệp sinh thái hiện đại, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng cần thay đổi quan điểm, cách tiếp cận và sự điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước.

Công bố quy hoạch khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao / Công bố quy hoạch khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao

Mô hình nông nghiệp sinh thái Việt nhỏ về qui mô, đơn điệu về thành phần

Theo PGS.TS Đào Thế Anh, nền nông nghiệp hiện đại của thế kỷ 21 là một nền nông nghiệp sinh thái, thông minh dựa trên ứng dụng các ứng dụng đổi mới sáng tạo của nông nghiệp sinh thái, kết hợp với các phương thức quản trị thông minh chính xác áp dụng công nghệ số nhằm sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn, đa dạng và chất lượng tốt hơn.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

Nông nghiệp sinh thái ở Việt Nam đã phát triển trong nhiều năm qua với các loại phương thức thực hành đa dạng khác nhau và được coi như các tiến bộ kỹ thuật.

Các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái đã phát triển trong sản xuất và có chính sách hỗ trợ ở Việt nam chia thành 6 nhóm phương thức, bao gồm: Nông lâm kết hợp, quản lý sâu bệnh tổng hợp (IPM/ICM), thâm canh lúa bền vững, canh tác hữu cơ, hệ thống tổng hợp trồng trọt-chăn nuôi và vườn ao chuồng, nông nghiệp bảo tồn và nông nghiệp cảnh quan.

Ngoài ra còn một số phương thức nông nghiệp sinh thái khác mới nghiên cứu mô hình địa phương như nông nghiệp bảo tồn, nông nghiệp cảnh quan.

“Tuy nhiên, các mô hình này thường nhỏ về qui mô, đơn điệu về thành phần và chưa có sự kết nối hiệu quả với các hệ thống khác như thị trường, công nghiệp, dịch vụ. Bởi vậy, chưa tạo được động lực bứt phá về lợi ích tuần hoàn cũng như ảnh hưởng lan rộng của hệ thống”, PGS.TS Đào Thế Anh nhận định.

Cần thay đổi quan điểm, cách tiếp cận và sự điều hành

Để thực hiện chiến lược chung về nông nghiệp sinh thái, theo Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Chương trình Cơ cấu lại nông nghiệp cần có chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi từ canh tác thâm canh sang nông nghiệp sinh thái để có thể đạt mục tiêu giảm sử dụng hoá chất, giảm ô nhiễm môi trường, tăng chất lượng sản phẩm và hướng tới bền vững.

PGS.TS Đào Thế Anh nhấn mạnh: Quá trình chuyển đổi được nền nông nghiệp hiện trạng sang một nền nông nghiệp sinh thái hiện đại cần thay đổi quan điểm, cách tiếp cận và sự điều hành của Nhà nước.

Đó là phát triển nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá hiện đại, thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ phù hợp trong các khâu của chuỗi giá trị nông sản kết hợp với các phương thức quản trị hiện đại áp dụng công nghệ số, phát huy tiềm năng lợi thế của các vùng miền để tăng cường hiệu quả sản xuất, đảm bảo sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu và các rủi ro phi khí hậu.

Gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với bảo quản chế biến và tiêu dùng theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản thực phẩm, kết hợp với du lịch nông thôn và bảo vệ môi trường nông thôn

Cùng với đó là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ chuỗi giá trị nông sản, kết nối nông thôn - đô thị, quản trị nông thôn hiện đại thông qua ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới bền vững.

Chuyển đổi sang nền nông nghiệp sinh thái cần thay đổi quan điểm, cách tiếp cận và sự điều hành.

“Chương trình xây dựng nông thôn mới cần được hoàn thiện theo hướng: Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh”, PGS.TS Đào Thế Anh khuyến nghị.

Ông Thế Anh kỳ vọng về kết quả dự án “Hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và hệ thống thực phẩm an toàn” (ASSET) do EU và AFD trợ cho giai đoạn 2020-2025 ở Sơn La và Điện biên đang được Viện KHNNVN thực hiện.

Đồng thời bày tỏ mong muốn “Dự án STARFARM” cũng do EU tài trợ về chuyển đổi hệ thống nông nghiệp theo hướng sinh thái ở ĐBSCL cho giai đoạn 2022-2027 sẽ được triển khai sớm.

Các dự án này sẽ nghiên cứu, nhân rộng những giải pháp chính để thâm canh nông nghiệp theo tiếp cận sinh thái, dài hạn, hạn chế chuyển đổi rừng sang đất trồng trọt, hạn chế sử dụng vật tư (phân bón, thuốc trừ sâu), giảm thiểu khí thải nhà kính từ nông nghiệp và góp phần tăng lưu trữ carbon.

Việc chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái cũng sẽ góp phần đa dạng hóa cây trồng, nâng cao năng lực của nông dân, cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống sản xuất trước biến đổi khí hậu, góp phần giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm