Môi trường

Đức tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu

DNVN - Phát biểu tại tại Hội thảo tổng kết dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”, ngày 31/3, ông Jens Schmid-Kreye - đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chính phủ Đức để thực hiện thỏa thuận này.

Chống biến đổi khí hậu: Giới chuyên gia kêu gọi quản lý « địa công nghệ » / Cần chấm dứt sự tự mãn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Từ năm 2016, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Thỏa thuận Paris và ban hành kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris. Từ đó đến nay, Chính phủ Việt Nam quyết liệt thực hiện thỏa thuận này.

Với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris, sau gần 4 năm triển khai, Dự án VN-SIPA được thực hiện giữa Bộ Tài Nguyên và Môi trường với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) và sự phối hợp một số bộ ngành khác đã có những đóng góp quan trọng.

Mô hình canh tác nông nghiệp dựa vào hệ sinh thái, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, dự án đã tư vấn và hỗ trợ quá trình xây dựng khung chính sách và pháp luật về biến đổi khí hậu, tăng cường năng lực cho các cơ quan đầu mối quốc gia, các bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý và phối hợp thực hiện Thỏa thuận Paris.

Tư vấn và hỗ trợ các bộ, ngành xây dựng được các hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sử dụng đất và lâm nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và quản lý chất thải.

Xây dựng các chính sách, kế hoạch giảm nhẹ phát thải, trong đó có hướng dẫn về dãn nhãn năng lượng đối với ô tô con, xe mô tô, xe máy sử dụng năng lượng điện; rà soát mức giảm phát thải nhà kính đối với hoạt động chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng tại 5 thành phố lớn; quy định quản lý nhiên liệu tiêu thụ và phát thải khí CO2 từ tàu bay trong hoạt động hàng không dân dụng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, dự án đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải đến năm 2030; thực hiện trong lĩnh ngành trồng trọt, chăn nuôi và một số ngành liên quan khác.

Nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực gây ra bởi biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu, dự án VN-SIPA cùng các đối tác còn hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và thúc đẩy thực hiện Kế hoạch thích ứng quốc gia (NAP), Hệ thống giám sát và đánh giá (M&E) các hoạt động thích ứng cấp quốc gia.

Hội thảo tổng kết dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Các chính sách, kế hoạch mang tính chiến lược đều được các bộ, ngành lồng ghép các giải pháp thực hiện hiệu quả, nhằm xây dựng một nền tảng, cơ sở pháp lý hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Ngoài các hỗ trợ xây dựng chính sách, nâng cao năng lực cho các bộ, ngành, dự án VN-SIPA còn phối hợp với các đối tác (gồm cả tư nhân) triển khai thí điểm thành công ba giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái đô thị ở Quảng Bình và các mô hình canh tác nông nghiệp dựa vào hệ sinh thái, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Hà Tĩnh.

Phát biểu tại Hội thảo tổng kết dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”, ông Jens Schmid-Kreye - đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đánh giá, giai đoạn một của dự án khép lại với nhiều kết quả và thành tựu đáng ghi nhận trong việc hỗ trợ các bộ, ngành và Chính phủ Việt Nam thực hiện các cam kết về khí hậu.

Giai đoạn hai của dự án sẽ được mở ra với những chương trình và mục tiêu mới. Các ban, ngành tiếp tục chung tay, hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để cùng nhau hướng tới mục tiêu quốc gia trung hòa khí hậu vào năm 2050.

“Chính phủ và người dân Việt Nam có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của Chính phủ Đức nhằm giúp Việt Nam hướng tới và hoàn thành những mục tiêu này”, ông Jens Schmid-Kreye bày tỏ.

Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn Chính phủ Đức giúp hoàn thiện các hệ thống, quy định kỹ thuật của các ngành vì Việt Nam là nước đang phát triển nhưng thực hiện nhiệm vụ giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone ở mức tương đương các nước phát triển và giúp thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học”.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm