Núp bóng nuôi động vật hoang dã: Khó xử lý vì quy định pháp luật còn sơ khai
ENV phát hành tài liệu “Hướng dẫn thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã 2021” / Ảnh động vật hoang dã ấn tượng nhất trong tuần: Hà mã ngáp để lộ hàm răng đáng sợ, rùa tắm nắng đáng yêu
Chiều 30/5, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) và Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) đã phối hợp tổ chức “Tọa đàm tình trạng nuôi nhốt gấu ở Hà Nội”.
Chia sẻ tại tọa đàm, đại diện ENV cho biết, ENV được thành lập vào năm 2000, là một trong những tổ chức xã hội đầu tiên về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường tại Việt Nam, hoạt động hướng tới mục tiêu chấm dứt tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép và nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo tồn thiên nhiên.
Kể từ năm 2005, ENV đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình dần xóa bỏ hoạt động nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam, phối hợp chặt chế với các nhà hoạch định chính sách nhằm tăng cường thể chế, nghiêm cấm nuôi nhốt gấu vì mục đích trích hút mật, hỗ trợ các cơ quan chức trên toàn quốc ngăn chặn và đẩy lùi các vi phạm về gấu, kêu gọi cộng đồng không sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu cũng như vận động các chủ nuôi tự nguyện chuyển giao gấu.
Cùng chung mục đích hoạt động với ENV, WAP cũng đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc giúp Chính phủ Việt Nam quản lý hoạt động nuôi động vật hoang dã.
Từ năm 2017 đến nay, WAP đã giới thiệu công nghệ chip điện tử tiên tiến mới, hỗ trợ quá trình quản lý số lượng gấu tại các trang trại trong phạm vi gần trở nên dễ dàng hơn. Các chương trình giám sát và gắn chip điện tử giúp đảm bảo không cá thể gấu mới nào từ tự nhiên hoặc các nguồn khác bị nuôi nhốt để lấy mật.
Với những nỗ lực trên, số lượng gấu bị nuôi nhốt đã giảm 93% từ khoảng 4.400 cá thể vào năm 2005 xuống còn dưới 300 cá thể vào năm 2022. Nhu cầu tiêu thụ mật gấu trong nước cũng giảm khoảng 61%.
Tuy nhiên, hoạt động núp bóng đằng sau các cơ sở nuôi động vật hoang dã phục vụ cho hành vi thương mại vẫn còn diễn ra, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV cho biết: Nhu cầu tiêu thụ và sử dụng mật gấu từ một bộ phận người dân là nguyên nhân khiến tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật vẫn còn tiếp diễn tại Việt Nam, gây ảnh hưởng tới quần thể gấu trong tự nhiên, làm mất cân bằng sinh thái.
“Chúng ta có rất nhiều phương thuốc khác, trong đó có nhiều thảo dược để thay thế mật gấu. Bởi vậy, rất cần giải pháp sử dụng các phương thuốc thay thế mật gấu để bảo vệ quần thể gấu, bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta”, bà Hà nói.
Bà Hà hy vọng cơ quan quản lý Nhà nước có cơ chế quản lý cụ thể hơn đối với hoạt động nuôi động vật hoang dã không vì mục đích thương mại hoặc vì mục đích thương mại. Trong đó, cần làm rõ từng mô hình hoạt động và mục đích hoạt động của từng mô hình, có quy chế quản lý phù hợp, đảm bảo kiểm soát được sinh sản cá thể hoạt động hoang dã.
Phó Giám đốc ENV đưa ra thực trạng: Hiện có rất nhiều cơ sở nuôi nhốt gấu tự nhận mình đang nuôi với mục đích bảo tồn, hoặc nuôi để làm cảnh, hoặc yêu quý cá thể gấu để nuôi nhưng trên thực tế gấu được nuôi tới 20 cá thể như tại cơ sở nuôi nhốt ở huyện Phúc Thọ thì liệu đây là sự yêu quý cá thể gấu hay là đằng sau đó có thể họ đang chích hút để bán mật gấu? Liệu hành vi này có giống như cơ sở nuôi nhốt nhiều cá thể hổ mà hàng năm không thông báo sự sinh sản của hổ? Đây là dấu hiệu núp bóng nuôi động vật hoang dã để buôn bán động vật hoang dã qua cửa sau.
“Chúng ta đã có cơ sở pháp luật để quản lý tình trạng này, tuy nhiên, quy định hiện nay mới chỉ nghiêng nhiều về yếu tố đăng ký quản lý, tức là đưa ra điều kiện ban đầu để có thể đăng ký thành lập cơ sở nuôi vì nhiều mục đích khác nhau. Quy định pháp luật còn sơ khai, chỉ mang tính định hướng mà chưa có quy định cụ thể”, bà Hà nhấn mạnh.
Hiện chưa có quy định về yêu cầu đảm bảo cơ sở vật chất kỹ thuật phù hợp với loài động vật hoang dã được nuôi. Điều kiện thế nào là phù hợp chưa có hướng dẫn nào, gây khó khăn rất nhiều cho cơ quan chức năng trong hoạt động quản lý.
Mặt khác, các quy định mới chỉ chú trọng tới yếu tố điều kiện đăng ký ban đầu, hoạt động của các cơ sở về sau này (có được trao đổi với cơ sở khác, có được gây nuôi sinh sản, số lượng nuôi từ động vật sinh sản) thì chưa hề có quy định.
“Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần ban hành một quy phạm pháp luật riêng để có thể quản lý các hoạt động nuôi động vật hoang dã sao cho không vì mục đích thương mại. Quy định phải đảm bảo từ yếu tố ban đầu cấp phép tới hoạt động của cơ sở, xử lý các trường hợp đóng cửa cơ sở hay xử lý vi phạm phát hiện tại cơ sở”, bà Hà khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo