Môi trường

Thắt chặt quản lý an ninh môi trường biển

DNVN - Tiến sĩ Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng các giải pháp hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào khâu khắc phục hậu quả sự cố, thảm hoạ môi trường chứ chưa thể phòng ngừa, hạn chế thảm hoạ.

Đà Nẵng: Khu Công nghiệp Hòa Khánh xả thải gây ô nhiễm môi trường / Bắt quả tang cơ sở nấu nhớt lậu, xả thải ra môi trường

Rác thải nhựa xả ra biển của Việt Nam thuộc nhóm nhiều nhất thế giới

Tại hội thảo “Kinh tế biển xanh: Cơ hội, thách thức, và giải pháp phát triển bền vững” sáng ngày 16/11,Tiến sĩ Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới, với khối lượng rác thải nhựa ra biển khoảng 0,28-0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển và đứng thứ 4 trên 20 quốc gia cao nhất.
Trong đó, 70% - 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển hoặc xả thẳng ra biển.
Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới

Năm 2019, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tính toán, mỗi khách du lịch lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 1,2 kg/ngày/đêm, trong khi mỗi khách du lịch không lưu trú có lượng rác thải trung bình khoảng 0,5 kg/ngày.
Trong đó, rác thải nhựa chiếm khoảng 60%, do vậy khối lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam năm 2019 khoảng 206.100 tấn. Bởi vậy, phải mất rất nhiều thời gian, lượng rác thải này mới được phân hủy, trong khi đó lượng rác sẽ vẫn tiếp tục tăng lên qua các năm.
Từ một số bài học thảm họa môi trường, Tiến sĩ Hà Huy Ngọc chỉ rõ hoạt động quản lý an ninh môi trường biển đặt ra nhiều vấn đề.
Thứ nhất, trong khi xảy ra sự cố, thảm hoạ các thông tin dữ liệu về nguyên nhân gây ra thảm hoạ phải được cập nhật đầy đủ; cách thức cung cấp, cơ quan cung cấp, minh bạch trong việc chia sẻ thông tin và xử lý với truyền thông trong và sau thảm hoạ, cần phải đặc biệt được chú trọng để tránh nhiễu, loạn thông tin trong công chúng.
Thứ hai, các giải pháp hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào khâu khắc phục hậu quả sự cố, thảm hoạ môi trường, chưa thể phòng ngừa, hạn chế thảm hoạ môi trường.
Thứ ba, chúng ta vẫn thiếu một khung pháp lý để quản trị khủng hoảng môi trường.
Thứ tư, với việc phân cấp mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư mà thiếu sự giám sát của bộ/ngành trong quá trình thực hiện và thiếu chế tài quy trách nhiệm đối với người đứng đầu.
Đặc biệt, theo chuyên gia Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay, nguy cơ các địa phương nhập khẩu ô nhiễm cao. Các địa phương vẫn chú trọng chạy theo thành tích tăng trưởng, không vì mục tiêu phát triển bền vững, bị động với ý đồ của nhà đầu tư, phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch.
Cần có sự liên kết, phối hợp liên tỉnh, liên vùng và ngành chặt chẽ

Để chủ động ứng phó hiệu quả với các sự cố môi trường biển, Tiến sĩ Hà Huy Ngọc đưa ra một loạt khuyến nghị.
Theo đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng và ban hành khung quản trị ứng phó với thảm hoạ môi trường, trong đó tập trung thể chế hoá các vấn đề hoàn thiện khung pháp lý ứng phó với thảm hoạ; cơ chế, chính sách phối hợp giữa Chính phủ, bộ/ngành và địa phương, liên vùng trong xử lý thảm hoạ; công cụ, công nghệ, phương pháp đánh giá, lượng giá thiệt sinh kế, thiệt hại môi trường sinh thái; huy động các bên tham gia xử lý thảm hoạ, trong đó có các tổ chức quốc tế, nhà khoa học quốc tế, tổ chức nhân đạo, NGOs…; vấn đề quy trách nhiệm, đền bù thiệt hại; công tác thông tin, truyền thông trong thảm hoạ…
Chủ động ứng phó với sự cố môi trường biển cần phối hợp chặt chẽ liên tỉnh, liên vùng và liên ngành

“Cần xây dựng, ban hành các quy định cụ thể để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo vùng biển ven bờ; kiểm tra, giám sát; phòng ngừa, kịp thời, chủ động ứng phó hiệu quả với các sự cố môi trường. Đặc biệt, cần có sự liên kết phối hợp liên tỉnh, liên vùng và liên ngành chặt chẽ”, Tiến sĩ Hà Huy Ngọc nhấn mạnh.
Đồng thời, theo Tiến sĩ Hà Huy Ngọc, Chính phủ cần yêu cầu bộ/ngành, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, tiến hành tổng kiểm tra, rà soát hệ thống xử lý, quan trắc môi trường (nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại...) của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhất là những cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Yêu cầu các cơ sở này phải lắp đặt và vận hành các hệ thống xử lý môi trường, quan trắc môi trường kết nối với Trung tâm quan trắc môi trường của sở tài nguyên và môi trường.
Đánh giá tác động môi trường với vai trò là công cụ dự báo, hạn chế nguy cơ gây hại lên môi trường, cần được thực hiện một cách nghiêm túc.
Quá trình lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh/thành phố giai đoạn 2021-2030 phải dựa trên cơ sở quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành.
Cùng với đó, để hạn chế tác động tiêu cực về môi trường của khu vực FDI ngay từ ban đầu, Chính phủ cần có định hướng thu hút FDI dựa trên quan điểm bảo vệ môi trường. Ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo vệ môi trường, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng và phát triển ngành công nghiệp môi trường; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu về môi trường.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm