Môi trường

Xử lý rác tại nhà giúp giảm tới 70% khối lượng rác mỗi hộ gia đình

DNVN - Kết quả này vừa được “Dự án Chung tay vì không khí sạch” của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) dưới với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ghi nhận qua Chương trình Thu gom, phân loại và xử lý rác tại Đông Anh.

Còn bỏ ngỏ việc xử lý chất thải rắn nguy hại / Xử lý nghiêm hai cơ sở xử lý chất thải gây ô nhiễm

Theo Trung tâm Live & Learn, quá trình đô thị hóa cùng sự tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số khiến lượng rác thải tại Việt Nam không ngừng tăng cao mỗi ngày. Theo ước tính, trong vòng chưa đầy 15 năm, khối lượng rác thải phát sinh đã tăng gấp đôi.

Một trong những nguyên nhân gây ra sự gia tăng nhanh chóng đó là khối lượng rác khổng lồ tại các đô thị. Năm thành phố lớn tại Việt Nam, tuy chỉ chiếm 35% dân số cả nước nhưng lượng chất thải rắn chiếm đến 70% tổng lượng rác thải toàn quốc .

Đáng chú ý, 60-70% lượng rác này là rác hữu cơ - hiện đang là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, tăng chi phí xử lý và góp phần khan hiếm đất đai.

Ở Việt Nam, chi phí thu gom, vận chuyển và chôn lấp một tấn rác là 879.028 VNĐ/tấn. Trong khi đó, mức phí do người dân chi trả chỉ khoảng 218.630 VNĐ/tấn. Sau khi thu gom, rác thải chủ yếu được xử lý bằng cách chôn lấp (khoảng 63%, quá tải, không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm), đốt (khoảng 14%, gây ô nhiễm không khí) và tái chế một phần nhỏ (10%).

Để giảm thiểu những tác động trên từ vấn đề rác thải, dưới với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Live & Learn đã thực hiện được “Dự án Chung tay vì không khí sạch” tại Đông Anh, Hà Nội thông qua Chương trình Thu gom, phân loại và xử lý rác.

Mô hình ủ rác tập trung theo cụm tại Xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội.

Kết quả của dự án đã đem lại câu chuyện truyền cảm hứng cho người dân cũng như bài học thành công về sự chung tay của các doanh nghiệp, chuyên gia, các tổ chức xã hội, đoàn thể trong việc thu gom, phân loại và xử lý rác tại Đông Anh kể từ năm 2021 tới nay.

Theo đó, nhận thức được thực trạng rác thải tại địa phương, năm 2021, UBND huyện Đông Anh đã phối hợp cùng Trung tâm Live&Learn tổ chức họp tham vấn ý kiến của các ban ngành, tổ chức môi trường và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp giảm rác.

Sau khi phương án phân loại rác thải tại nguồn để thu gom, lưu giữ, xử lý, tái chế, tái sử dụng trên địa bàn huyện được ban hành, huyện tiếp tục phối hợp với Trung tâm Live&Learn và Trung tâm văn hoá thông tin huyện tổ chức truyền thông và hướng dẫn về phân loại, xử lý rác thải, ủ rác hữu cơ trên phương tiện truyền thông đại chúng và các nhóm trực tuyến.

Cùng với đó, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ cũng hướng dẫn kỹ thuật xử lý rác tại nhà cho các hộ gia đình và tư vấn, giải đáp các thắc mắc trong suốt quá trình triển khai.

Tính đến ngày 30/3/2022 trên địa bàn huyện Đông Anh đã có 23 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó có 3 xã đã triển khai 100% các thôn trong xã, 20 xã và thị trấn còn lại (mỗi xã, thị trấn triển khai đến ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm).

Đến hết tháng 2/2022 có 7.621 người tham gia triển khai mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ. Số hộ tham gia đăng ký tăng 146,81% so với giai đoạn ban đầu (5.191 người).

Tài liệu truyền thông củaChương trình Thu gom, phân loại và xử lý rác tại Đông Anh, Hà Nội.

Báo cáo của Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đông Anh cho biết, năm 2021, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh là 227 tấn/ngày, trong khi, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong năm 2020 là 239 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 thấp hơn so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày và một trong những nguyên nhân cơ bản của sự giảm lượng rác thải này là từ việc phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình.

Kết quả kiểm kê từ hộ gia đình cho thấy, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 – 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ rác. Khi tiến hành kiểm kê rác 9 xã tại huyện Đông Anh (với 309 hộ gia đình), thì lượng rác hữu cơ được phân loại xử lý tại hộ là 59%, rác tái chế thu gom cho ve chai 12%, và rác còn lại để đổ rác là 29%.

Điều này khẳng định thành công của Chương trình Thu gom, phân loại và xử lý rác tại Đông Anh và cũng là mô hình cần lan rộng ra các địa phương trên cả nước.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm