Xã hội

ĐắK Nông: “Tiêu điều” thủ phủ hồ tiêu

(DNVN) – Năm ngoái giá tiêu lao dốc, người trồng tiêu ở Đắk Song – thủ phủ hồ tiêu tỉnh Đắk Nông ôm nợ. Năm nay, tiêu lại bị nhiễm bệnh chết hàng loạt khiến hàng trăm hộ dân như chết đứng, không có vốn để tái đầu tư sản xuất.

Hoạ vô đơn chí

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đắk Song, toàn huyện có hơn 15.400 ha hồ tiêu, chiếm khoảng 1/2 diện tích tiêu của tỉnh Đắk Nông. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có gần 1.700 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh (chết nhanh, chết chậm, bệnh đen lá tiêu…); trong đó, có khoảng 209 ha hồ tiêu đã chết hoàn toàn. Diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết nhiều tập trung ở các xã: Nâm N’Jang, Đắk N’drung, Trường Xuân, Thuận Hạnh, Thuận Hà...

Ông Nguyễn Văn Thu, thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’drung (huyện Đắk Song) cho biết, cách đây 5 năm, thấy giá hồ tiêu cao, gia đình đã phá bỏ vườn cà phê chuyển sang trồng 1.400 trụ hồ tiêu. Ngoài nguồn vốn tích lũy, gia đình ông đã thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng thêm số tiền 250 triệu đồng để đầu tư. Năm ngoái, tiêu nhà ông ra bói thu hoạch được một ít nhưng giá cả lao dốc.

Tiêu chết khô, người chết đứng (Ảnh: VH)

Tiêu chết khô, người chết đứng (Ảnh: VH)

Năm nay, vào thu chính thì bỗng dưng vườn tiêu bị vàng lá. Chưa đầy 1 tuần sau thì hàng ngàn trụ tiêu bỗng dưng chết khô. Bao nhiêu công sức, vốn liếng của gia đình coi như tiêu tan, tay trắng, giờ không biết xoay sở đâu để trả nợ ngân hàng tái đầu tư sản xuất”, ông Thu xót xa.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’drung (Đắk Song), cho hay, trên địa bàn thôn có khoảng 700 ha hồ tiêu. Những năm trước đây, giá hồ tiêu tăng cao nên người dân ồ ạt trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Bấm đốt ngón tay, ông Thiên nhẩm tính, riêng trên địa bàn thôn đã có hơn 100 ha tiêu nhiễm bệnh và chết. Nhà bị thiệt hại ít cũng vài trăm trụ, nhiều thì lên đến cả chục ha. Tiêu chết, nợ nần ngân hàng nên trong thôn đã có 3 hộ bỏ nhà đi khỏi địa phương. Vì vậy, các cấp chính quyền cần sớm có giải pháp và chính sách hỗ trợ để bà con khôi phục sản xuất.

Hà hơi tiếp sức

 

Trao đổi với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đắk Song, cho biết, hiện tượng hồ tiêu nhiễm bệnh và chết hàng loạt là do năm nay thời tiết ở Đắk Nông mưa quá nhiều dẫn đến cây tiêu bị nhiễm nấm (phytophthora sp, Pythium…), vi khuẩn, tuyến trùng; một số diện tích hồ tiêu bị úng nước. Ngoài ra, trong canh tác nhiều bà con quá lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bất chấp sự khuyến cáo của các ngành chức năng.

Hiện nay, Phòng NN&PTNT huyện Đắk Song đang triển khai các giải pháp để khống chế dịch bệnh lây lan, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại cho người dân; tập huấn, hướng dẫn bà con cách chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu.

Người dân Đắk Song tìm mọi cách cứu tiêu theo kiểu “còn nước còn tát” (Ảnh: VH).

Người dân Đắk Song tìm mọi cách cứu tiêu theo kiểu “còn nước còn tát” (Ảnh: VH).

Đồng thời, khuyến cáo bà con không nên trồng lại cây hồ tiêu ngay trên diện tích đất hồ tiêu vừa bị chết mà nên trồng luân canh, xen canh các loại cây trồng khác, như: cà phê, ca cao hoặc cây ăn trái… để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.

 

Ông Vinh cho biết thêm, mới đây, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện có văn kiến nghị Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước khoanh nợ, giảm lãi xuất vay vốn đối với những hộ dân có số lượng tiêu chết nhiều, không đảm bảo trả lãi vay và nợ gốc.

Đồng thời kiến nghị Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật hỗ trợ địa phương đánh giá tình hình diễn biến cây tiêu chết trên địa bàn để đưa ra các biện pháp xử lý, hướng dẫn nhân dân phòng trừ đạt hiệu quả, để sớm vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

Phát triển thương hiệu

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Đắk Song, năm 2016, nhãn hiệu “Hồ tiêu Đắk Song – Đắk Nông” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận và cấp lô gô để dán trên bao bì sản phẩm khi bán ra thị trường.

Hiện có 235 Hội viên tham gia sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững, tiến tới sản xuất tiêu sạch, tiêu ứng dụng công nghệ sinh học để mang lại hiệu quả kinh tế cao (tiêu sạch, có thương hiệu có giá cao gấp đôi tiêu không theo tiêu chuẩn), có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hoá.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo