Xã hội

Hỗ trợ chuyển đổi số phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp

DNVN - Tại buổi tọa đàm “Kinh tế số - Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn thành phố” do Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ chí Minh (HIDS), Viện trưởng HIDS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: "Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp số là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần làm tốt để phát triển kinh tế số".

Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng nông thôn mới / TP Hồ Chí Minh: Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng phát biểu khai mạc Tọa đàm

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng phát biểu khai mạc Tọa đàm

Ngày 25/3, nhằm tiếp thu ý kiến và hoàn thiện báo cáo đánh giá đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đánh giá chính sách hỗ trợ của các doanh nghiệp trong ngành, Viện Nghiên cứu phát triển (HIDS) phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Tọa đàm “Kinh tế số - Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết: Kinh tế số làm gia tăng quy mô và thúc đẩy tăng trưởng cho các nền kinh tế; tạo ra cơ hội cho nhiều người hơn, giảm khoảng cách giàu nghèo, gia tăng sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong định hình các chính sách phát triển.

Tại TP Hồ Chí Minh, Chương trình chuyển đổi số được ban hành vào tháng 7/2020 xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2022 kinh tế số chiếm tỷ trọng 15% GRDP của thành phố. Tỷ lệ này tăng lên 25% (năm 2025) và 40% (năm 2030).

TP Hồ Chí Minh được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số. Đặc biệt, thương mại điện tử đang ở giai đoạn phát triển nhanh chóng cả về hình thức lẫn quy mô thị trường. Cụ thể, TP Hồ Chí Minh có số dân sử dụng điện thoại di động cao nhất nước, hạ tầng cáp quang, internet, di động 3G, 4G đã phủ 100% phường xã; xu hướng số hoá, làm việc học tập từ xa ngày càng lan rộng, phổ biến… Đặc biệt, năm 2021, do tác động của đại dịch COVID-19, nhiều ngành bị ảnh hưởng nhưng ngành khoa học công nghệ và thông tin truyền thông có tốc độ tăng trưởng cao (lần lượt là 3,8% và 6,08% so với cùng kỳ).

 

TP Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, xác định một số nhiệm vụ chủ yếu trong phát triển kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số dựa trên đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp hạ tầng, dịch vụ công nghệ số hay nội dung số.

Hiện nay, 10 ngành được thành phố ưu tiên chuyển đổi số là y tế; giáo dục; giao thông vận tải; tài chính - ngân hàng; du lịch; nông nghiệp; logistics; môi trường; năng lượng và đào tạo nhân lực.

Chia sẻ tại tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp kinh tế số phụ thuộc rất nhiều yếu tố, với các mối quan hệ chặt chẽ tạo nên hệ sinh thái về kinh tế số gồm 6 trụ cột: hạ tầng; dữ liệu; vốn con người; khu vực công; khu vực tư; văn hóa số, dựa trên nền tảng chính sách, quy định và chính quyền hiệu quả. Vì vậy, cần thiết phải có một khung chính sách tích hợp nhưng linh hoạt cho kinh tế số, nhằm tối đa hóa lợi ích, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực của kinh tế số.

Viện trưởng HIDS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, cùng với việc xây dựng các chính sách phù hợp, có 5 vấn đề chúng ta cần làm tốt bao gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hưởng ứng, ứng dụng công nghệ số; Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp số; Đầu tư hạ tầng số; Đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao (trong đó có nguồn nhân lực kinh tế số); Ban hành thể chế và những quy định để bảo đảm an toàn cho việc sử dụng kinh tế số và bảo vệ sở hữu trí tuệ; Thúc đẩy chính quyền số với việc đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến…

 

Ở góc độ doanh nghiệp công nghệ thông tin, đại biểu Hải An – Phó Chủ tịch liên minh công nghệ số TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Việc tăng cường hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp sẽ tạo ra nguồn nhân lực kinh tế số dồi dào. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao thúc đẩy mối liên kết này.Thành phố cần giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị liên quan.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ như xúc tiến thương mại, tiếp cận dự án công, hỗ trợ chính sách vay vốn… cũng cần được quan tâm để thúc đẩy chuyển đổi số, bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ đang là động lực chính của sự phát triển.

Đồng tình với ý kiến lấy doanh nghiệp làm chủ thể trung tâm khi xây dựng các chính sách, một số ý kiến khác bổ sung: Cần phải tăng cường hiệu quả việc kết nối doanh nghiệp với các chuyên gia bên ngoài để giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp đang cần. Qua đó có các mô hình, sản phẩm đột phá mới.

Hà My
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm