Xã hội

Khuyến nghị cần chuẩn hóa quy định tốc độ dành riêng cho người dân

DNVN - Chia sẻ tại hội thảo “Các giải pháp tăng cường an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam” chiều 7/4, các chuyên gia Trường Đại học Giao thông Vận tải khuyến nghị cần chuẩn hóa quy định tốc độ dành riêng cho người dân bằng văn bản ổn định duy nhất để tất cả có thể tiếp cận.

ĐĂK LĂK: tăng cường xử lý vi phạm giao thông đường bộ / Siết chặt quản lý Dự án giao thông đường bộ BOT

Theo các chuyên gia Trường Đại học Giao thông Vận tải, phần lớn số người chết trong các vụ tai nạn đường bộ là ở các nước thu nhập trung bình, trong đó có Việt Nam là nước trung bình thấp.

Khu vực Đông Nam Á có tỷ lệ người chết trong các vụ tai nạn giao thông cao thứ 2 thế giới. Tốc độ càng cao, xác xuất xảy ra tai nạn và mức độ nghiêm trọng của tai nạn càng lớn. Các tai nạn gắn với phương tiện lớn hơn (xe buýt, xe tải) thường nghiêm trọng hơn.

Hội thảo “Các giải pháp tăng cường an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam”. (Ảnh: Hà Anh).

Có nhiều yếu tố tác động tới quyết định tốc độ chạy xe, trong đó quản lý và giới hạn tốc độ là một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Căn cứ vào khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về quản lý tốc độ cho thấy, xe càng lớn, việc điều khiển phương tiện, đặc biệt ở tốc độ cao, càng khó. Phương tiện vận tải có kích thước và khối lượng càng lớn và chở càng nhiều người thì khoảng cách dừng xe càng lớn, hậu quả tai nạn giao thông càng cao.

Kinh nghiệm về giới hạn tốc độ trong khu vực đô thị và khu đông dân cư, tốc độ cho phép thường là 50 km/h.

Khu vực có đặc thù giao thông có nhiều người đi bộ qua đường (như trường học, bệnh viện, khu trung tâm thương mại...), thường bắt buộc có đèn tín hiệu, hoặc hạn chế tốc độ xuống 30 km/h (hoặc 20 dặm/h, tương đương 32 km/h).

Đi sâu vào thực trạng quản lý tốc độ tại Việt Nam, nhóm chuyên gia Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, việc quản lý tốc độ đã được đặt ra và quan tâm thực hiện từ lâu với những quy định rõ ràng và nhận được sự đánh giá khả quan từ quốc tế.

Đó là Nghị định số 100/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Luật Giao thông Đường bộ 2008; Thông tư 31/2014/TT-BGTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe Cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ.

Theo báo cáo An toàn Giao thông đường bộ của WTO, cưỡng chế thực thi quy định tốc độ ở Việt Nam đạt mức khá (7/10 điểm).

Theo WTO, cưỡng chế thực thi quy định tốc độ ở Việt Nam đạt mức khá.

Để việc cưỡng chế thực thi quy định tốc độ ở Việt Nam đạt kết quả tốt hơn, các chuyên gia khuyến nghị cần chuẩn hóa các quy định về quy tắc giao thông trong đó có quy định về tốc độ trong văn bản dành riêng cho người dân. Có thể ban hành các quy tắc này theo một thông tư của Bộ Giao thông Vận tải và công bố rộng rãi trong một tài liệu ổn định duy nhất mà tất cả người dân có thể tiếp cận (ví dụ như tài liệu về quy tắc giao thông đường bộ).

Cùng với đó là cho phép chính quyền địa phương chủ động trong tổ chức giao thông và kiểm soát tốc độ trên địa bàn và chịu trách nhiệm về phương án tổ chức giao thông trên địa bàn. Hoàn thiện quy tắc giao thông về làn xe và quy định tốc độ với các loại phương tiện khác nhau trên cao tốc.

Quy định thống nhất tốc độ khu vực đô thị và khu vực đông dân cư xuống 50 km/h với tất cả các loại đường. Tốc độ cao hơn chỉ được áp dụng cho những những tuyến đường được kiểm soát giao cắt và kiểm soát tiếp cận (ví dụ đường trục, cao tốc trong đô thị) với những hướng dẫn cụ thể và có cắm biển báo tốc độ cao hơn mức tốc độ của toàn đô thị.

Ngoài ra, cần cập nhật quy định về tốc độ theo nguyên tắc biển báo tốc độ chỉ áp dụng với xe con tiêu chuẩn. Xe khách có tốc độ giới hạn thấp hơn xe con 10 km/h, và xe tải có tốc độ giới hạn thấp hơn xe khách 10 km/h. (tuyến đường có biển báo tốc độ 80 km thì xe con được chạy tối đa 80 km/h, xe khách là 70 km/h còn xe tải là 60 km/h).

Ban hành hướng dẫn tổ chức giao thông thống nhất trên toàn quốc, hướng dẫn kiểm soát tốc độ trong các tình huống điển hình, đặc biệt với các khu vực có tính trạng giao thông phức tạp như trường học, bệnh viện), nơi có nhiều người đi bộ qua đường. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về quy định giảm tốc độ các đoạn tuyến đường xung quanh trường học (300-500 m tính từ trường học) xuống 30 km/h.

Tiếp tục xem xét giảm tốc độ giới hạn và siết chặt thời gian hoạt động các loại xe tải có kích thước tải trọng lớn trong khu vực đô thị và khu đông dân cư. Chỉ cho phép các tuyến đường cao tốc khai thác ở tốc độ giới hạn 120 km/h khi hoàn toàn thỏa mãn các điều kiện yêu cầu về tiêu chuẩn thiết kế và khai thác vận hành nghiêm ngặt với đường cao tốc.

Xem xét vấn đề vùng hoạt động và tốc độ giới hạn phù hợp của xe buýt gồm chỗ đứng và chỗ ngồi. Khi chạy ở tốc độ cao, an toàn của hành khách đứng (sử dụng tay nắm) thường ở mức thấp.

“Việc bổ sung các quy tắc mới và tổ chức thực hiện tốt việc cưỡng chế thực thi quy định tốc độ có thể giúp giảm số vụ va chạm giao thông liên quan trực tiếp tới tốc độ khoảng 10%, tương đương với giảm khoảng 2000 vụ và 700 người thiệt mạng do va chạm giao thông hàng năm”, nhóm chuyên gia Trường Đại học Giao thông Vận tải khuyến nghị.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm