Xã hội

Minh bạch trong quản lý các nguồn lực của Chính phủ bằng chuẩn mực kế toán công

DNVN - Bộ Tài chính khẳng định 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1 là cơ sở để cung cấp thông tin tài chính kịp thời, trung thực nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai minh bạch trong quản lý các nguồn lực của Chính phủ.

Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý Quỹ Vaccine phòng COVID-19 / Bộ Tài chính nói gì trước kiến nghị gỡ khó về vốn cho dự án metro 1 và 2 của TP Hồ Chí Minh?

Thực hiện kế hoạch triển khai “Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công” được phê duyệt kèm theo Quyết định số 1299/QĐ-BTC ngày 31/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 29/10/2021, Bộ Tài chính tổ chức "Hội thảo trực tuyến công bố 05 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1" được ban hành theo Quyết định số 1676/QĐ-BTC ngày 01/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

"Hội thảo trực tuyến công bố 05 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1"

Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng và công bố các chuẩn mực kế toán công Việt Nam là xu hướng, cần thiết trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, tạo ra khuôn mẫu, mực thước quan trọng cho lĩnh vực kế toán Nhà nước, góp phần quản lý, quản trị ngày càng tốt hơn nền tài chính quốc gia ở cả tầm vĩ mô và vi mô.

Việc xây dựng này dựa trên cơ sở Chuẩn mực kế toán công quốc tế, áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công nhằm mục tiêu đảm bảo các yêu cầu hội nhập kinh tế của đất nước; đồng bộ với cải cách, đổi mới chính sách quản lý kinh tế, chính sách quản lý tài chính công của Việt Nam; là cơ sở để cung cấp thông tin tài chính kịp thời, trung thực nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, tính công khai minh bạch trong quản lý các nguồn lực của Chính phủ.

Về lộ trình ban hành, các chuẩn mực dựa trên chuẩn mực kế toán công quốc tế có nội dung phù hợp với điều kiện Việt Nam, ít phải sửa đổi, bổ sung sẽ ban hành, công bố trước. Các chuẩn mực phức tạp, có nhiều khác biệt hơn, cần nhiều thời gian nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung về cơ chế tài chính hoặc phụ thuộc vào việc bổ sung, sửa đổi pháp luật có liên quan.

Đề án, giai đoạn 2020-2024 quy định cần phải nghiên cứu, xây dựng và công bố các chuẩn mực kế toán công theo lộ trình sau:

Đợt 1: Ban hành 5 chuẩn mực không có sự khác biệt về mặt kỹ thuật, hoặc ít khác biệt, có thể điều chỉnh về mặt kỹ thuật.

 

Đợt 2: Ban hành 5 chuẩn mực có ít khác biệt hoặc khác biệt, nghiên cứu ban hành sau khi bổ sung, sửa đổi về mặt cơ chế tài chính, ngân sách.

Đợt 3: Ban hành 5 chuẩn mực có khác biệt, nghiên cứu ban hành sau khi bổ sung, sửa đổi về mặt cơ chế tài chính, ngân sách.

Đợt 4: Tiếp tục ban hành 6 chuẩn mực có khác biệt, nghiên cứu ban hành sau khi bổ sung, sửa đổi về mặt cơ chế tài chính, ngân sách.

Sau năm 2024, ban hành các chuẩn mực có những khác biệt lớn, cần được nghiên cứu để áp dụng khi đã tạo lập đầy đủ các điều kiện liên quan để giải quyết sự khác biệt phù hợp với kinh tế Việt Nam.

Đại biểu tham dự "Hội thảo trực tuyến công bố 05 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1" từ các đầu cầu

Về tính khả thi của việc áp dụng chuẩn mực kế toán công, Bộ Tài chính cho biết hiện nay, số lượng đơn vị kế toán công rất lớn, quy mô và điều kiện hoạt động có sự khác biệt. Vì vậy để đảm bảo tính khả thi, sau khi được ban hành Chuẩn mực kế toán công sẽ là các khuôn mẫu, nguyên tắc có tính mực thước để ban hành các chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước theo quy định của pháp luật kế toán. Ngoài ra, việc ban hành các chế độ kế toán trong khuôn khổ các chuẩn mực đã công bố phải đảm bảo phù hợp với các quy định văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, ngân sách hiện hành.

 

Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ căn cứ hệ thống chuẩn mực kế toán công và cơ chế tài chính, ngân sách, quy định các nội dung phù hợp với từng đối tượng để ban hành các chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị thuộc từng lĩnh vực theo lộ trình phù hợp. Như vậy, các đơn vị kế toán áp dụng chuẩn mực kế toán công Việt Nam thông qua việc thực hiện theo các chế độ kế toán do Bộ Tài chính quy định, đảm bảo phù hợp với loại hình và đặc điểm quản lý của đơn vị mình.

Hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam sau khi ban hành sẽ là cơ sở, mực thước để ban hành chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị trong khu vực công thực hiện công tác kế toán, lập báo cáo tài chính, cung cấp thông tin hữu ích cho việc quản lý, kiểm tra, giám sát các nguồn lực thuộc Nhà nước, đặc biệt là thống nhất dữ liệu của các đơn vị kế toán công.

Việc áp dụng các quy định theo thông lệ chung làm căn cứ hướng dẫn kế toán dồn tích một cách phù hợp đối với đối tượng là kế toán công, góp phần quản lý tốt hơn cho các đơn vị kế toán, thu hút và quản lý chặt chẽ nguồn lực xã hội hóa, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị kế toán công.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm