Xã hội

Nhức nhối tình trạng lao động đi nước ngoài trái phép, hết hạn hợp đồng không về nước

DNVN - Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước vẫn là vấn đề nhức nhối cần phải khắc phục.

Vì sao lao động đi làm việc ở nước ngoài ở phía Nam còn thấp?

Tại hội thảo "Thúc đẩy đưa người lao động các địa phương phía Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận" tổ chức ngày 29/8 tại Cần Thơ, Cục Quản lý lao động nước ngoài cho biết, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong những năm gần đây đã tăng lên đáng kể. Năm 2022 là 143.000 người, riêng trong 8 tháng đầu năm 2023 là hơn 97.000 người. Trong đó, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc là thị trường truyền thống, trọng điểm chiếm hơn 93% lao động xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại hội thảo.

Hiện có khoảng 580.000 lao động Việt Nam làm việc ở gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, phần lớn tập trung ở các thị trường: Nhật Bản với khoảng 250.000 người; Đài Loan (Trung Quốc) với khoảng 230.000 người; Hàn Quốc với khoảng 50.000 người; còn lại ở các thị trường Châu Âu, Trung Đông và Malaysia.

Người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài được người sử dụng lao động đánh giá tích cực về sự cần cù, chăm chỉ, khéo tay với khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo và làm việc năng suất, chất lượng, nên các chủ sử dụng nước ngoài muốn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, lao động Việt Nam vẫn còn có những hạn chế nhất định về khả năng giao tiếp ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật.

Còn theo Trung tâm lao động ngoài nước, có một thực tế đáng quan tâm là lao động các địa phương phía Nam làm việc ở nước ngoài còn thấp, chỉ chiếm khoảng 10% tổng số lao động ngoài nước của cả nước cho dù tiềm năng rất lớn.

Từ năm 2004 đến nay, Trung tâm đã phái cử 123.395 lượt lao động đi làm việc ở Hàn Quốc thì lao động ở các tỉnh phía Nam chỉ chiếm khoảng 9,6% với 11.918 lượt người. Tỷ lệ người lao động ở các tỉnh phía Nam sang làm việc tại Nhật cũng không khá hơn. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm phái cử 3.690 thực tập sinh sang Nhật thì phía Nam có 335 thực tập sinh, chiếm khoảng 9%.

 

Theo các đại biểu, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do những hạn chế về thông tin các chương trình của Trung tâm, nhiều người lao động có nhu cầu nhưng chưa nắm được thông tin, cùng với đó là tâm lý ngại thay đổi, ngại xa gia đình… dẫn đến việc người lao động đi nước ngoài ở phía Nam chưa đông đảo như các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Bên cạnh đó, còn gặp những hạn chế, khó khăn như: công tác tuyển chọn, đào tạo của Trung tâm lao động ngoài nước hiện tập trung triển khai tại miền Bắc và miền Trung, chưa tổ chức tuyển chọn, đào tạo tại phía Nam; việc thông báo kế hoạch tuyển chọn một số chương trình thời gian tương đối gấp do phụ thuộc vào kế hoạch thông báo từ đối tác; công tác hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động hết hạn hợp đồng đạt hiệu quả chưa cao…

Giải pháp tháo gỡ

Các đại biểu cho rằng, để người lao động cả nước nói chung, các tỉnh phía Nam nói riêng được tiếp cận cơ hội việc làm ngoài nước có thu nhập hấp dẫn, môi trường, điều kiện làm việc tốt cần phát triển Trung tâm lao động ngoài nước thành địa chỉ tin cậy, trong đó, quyền và lợi ích của người lao động phải được ưu tiên hàng đầu và là giá trị cốt lõi trong các hoạt động tuyển chọn đào tạo và phái cử.

Nhiều kiến nghị đề xuất các giải pháp nâng cao tỷ lệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở các địa phương phía Nam trong thời gian tới.

Nhiều kiến nghị đề xuất các giải pháp nâng cao tỷ lệ người lao động đi làm việc nước ngoài ở phía Nam trong thời gian tới.

 

Chú trọng gia tăng tỷ lệ người lao động đã được đào tạo; tổ chức triển khai, thi tuyển, đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); nâng cao chất lượng đào tạo để nâng cao trình độ ngoại ngữ, tay nghề, kỹ năng ứng xử trong quan hệ lao động, hiểu biết về pháp luật Việt Nam và nước sở tại.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Trung tâm lao động ngoài nước đề nghị các địa phương phía Nam hỗ trợ Trung tâm lao động ngoài nước về địa điểm cơ sở vật chất, phối hợp các đối tác đặt địa điểm đào tạo; đề nghị Bộ và Cục Quản lý lao động ngoài nước xem xét cho phép mở rộng đối tượng tuyển chọn lao động trong ngành nông nghiệp đối với lao động các tỉnh ĐBSCL để có thể sử dụng hết chỉ tiêu lao động mà các thị trường ngoài nước phân bổ.

Đồng tình với các ý kiến trên, đại diện các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giới thiệu chương trình lao động, việc làm đến với người lao động; việc phân bổ chỉ tiêu cần đến từng địa phương để dễ định hướng lao động được chọn, theo đó việc tuyên truyền vận động sẽ hiệu quả hơn; kéo dài thời hạn kết quả đạt kỳ thi tiếng Hàn để người lao động giảm tốn kém, chi phí.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế.

 

Thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình; tích lũy được kinh nghiệm làm việc, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công việc và trình độ ngoại ngữ, thái độ làm việc và kiến thức xã hội.

Tuy nhiên, tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước vẫn cần phải khắc phục. Việc khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp sau khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về tham gia thị trường lao động trong nước cần tiếp tục được quan tâm, thúc đẩy.

“Do vậy, các đơn vị chức năng của Bộ LĐ-TB&XH, các địa phương và đặc biệt là Trung tâm lao động ngoài nước cần tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện các giải pháp để đạt được những hiệu quả cao hơn, tích cực hơn. Trong đó, chú trọng tạo điều kiện thuận lợi và gia tăng số lượng người lao động khu vực phía Nam tiếp cận chương trình với chi phí thấp”, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo