Thừa Thiên Huế: Tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội
Duy trì thực hiện Ngày Chủ nhật xanh để Thừa Thiên Huế thêm Xanh - Sạch - Sáng / Thừa Thiên Huế: Sớm đưa gói hỗ trợ đến với lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
Đó là chỉ đạo của ông Lê Trường Lưu – Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tại buổi triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh (QP- AN) năm 2022 của UBND tỉnh ngày 06/01.
Đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế xã hội
Năm 2022, tỉnh tập trung thực hiện mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ vắc xin nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đẩy mạnh các giải pháp phục hồi và phát triển KT- XH, triển khai nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, tiến tới xây dựng nền kinh tế số. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất; hạ tầng phát triển du lịch, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng… nhằm phát triển bền vững KT- XH.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Chú trọng phát triển văn hóa, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục phát triển sản xuất. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Một số chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng GRDP 6,5 - 7,5%; GRDP bình quân đầu người 2.350- 2.400 USD; năng suất lao động xã hội tăng 6- 8%; cơ cấu kinh tế: dịch vụ 46 - 47%, công nghiệp- xây dựng 34- 35%, nông nghiệp 10,5- 11%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 8,5- 9%; vốn đầu tư toàn xã hội 28.000- 28.500 tỷ đồng, tăng 10- 12%; thu hút 30- 35 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện khoảng 14.000 tỷ đồng; số doanh nghiệp thành lập mới khoảng 700 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5.700 tỷ đồng; hoàn thành dự toán thu ngân sách 6.861 tỷ đồng, phấn đấu tăng trên 12% so với thực hiện năm 2021; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2022 đạt 42.600 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2021. …
Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, nhiệm vụ năm 2022 có nhiều khó khăn, thách thức đan xen, do vậy các cấp, các ngành cần tập trung ưu tiên thực hiện Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 đã được ban hành để sớm thực sự thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022. Trong đó, đề cao ý thức người dân với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục và các biện pháp về hành chính. Thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của Nhân dân + các biện pháp khác”, với 3 trụ cột chính về xét nghiệm, cách ly và điều trị.
Về phục hồi và phát triển kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công; giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết 38 của Quốc hội về áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện một cách nghiêm túc, ráo riết, có kết quả cụ thể về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tiếp thu phát biểu chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, tập thể UBND tỉnh, từng thành viên UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương sẽ lĩnh hội đầy đủ, quán triệt sâu sắc và triển khai nghiêm túc, hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy bằng những chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, hành động thiết thực, cụ thể.
“Chúng ta không được chủ quan, thỏa mãn mà phải khắc phục ngay, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém; kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, toàn diện, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được giao. Phấn đấu năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh; kinh tế phục hồi và phát triển; xã hội trật tự và kỷ cương; chính trị được ổn định; nhân dân có cuộc sống bình an và hạnh phúc”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo