Xã hội

TP Hồ Chí Minh: Bán rùa trái phép trên đường phố lại “nhộn nhịp”

DNVN - Mua bán, vận chuyển hay thậm chí là nuôi nhốt rùa mà không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp hay đáp ứng các điều kiện khác theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật.
Càng gần những ngày giáp Tết Nguyên đán, hoạt động bán dạo rùa tại các tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh lại “nóng” trở lại. Chỉ từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tiếp nhận 128 vụ việc thông báo vi phạm từ cộng đồng. Nhu cầu mua rùa để phóng sinh ở TP Hồ Chí Minh nói riêng và trên cả nước đang gây ảnh hưởng lớn đến quần thể rùa trong tự nhiên.
Theo cơ sở dữ liệu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), rùa là một trong các loài thường xuyên bị ghi nhận nuôi nhốt hoặc buôn bán trái phép tại Việt Nam. Trong giai đoạn từ năm 1/1/2016 – 30/11/2021, ENV ghi nhận 1.482 vụ việc vi phạm liên quan đến các loài rùa; trong đó số vụ việc buôn bán rùa tại các địa điểm cụ thể (không phải buôn bán online) chiếm 695 vụ việc. Số lượng cá thể rùa được tịch thu và tự nguyện chuyển giao trên cả nước trong năm 2021 là 574 cá thể.
TP Hồ Chí Minh luôn là một “điểm nóng” thường xuyên ghi nhận hoạt động buôn bán rùa trên đường phố. Hiện tượng này đã diễn ra trong một thời gian dài, bất chấp chỉ đạo xử lý quyết liệt của ỦBND thành phố.
TP. Hồ Chí Minh: Bán rùa trên đường phố lại “nhộn nhịp” trở lại

Rùa được bán trên đường phố.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Hoạt động bán rùa trên đường phố không chỉ diễn ra ngày một ngày hai mà đã tồn tại nhiều năm liền tại thành phố. Tuy UBND thành phố đã có chỉ đạo xử lý nhưng việc thực thi chỉ đạo này vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng buôn bán rùa trên đường phố vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Mới đây, công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện và bắt giữ một “đầu nậu” chuyên cung cấp rùa cho các đối tượng bán rong trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. ENV hi vọng các cơ quan chức năng tại TP Hồ Chí Minh sẽ ngay lập tức xử lý khi tiếp nhận tin báo về hoạt động bán rong rùa của người dân. Bên cạnh đó, Công an thành phố cũng nên xây dựng chuyên án để triệt phá các đường dây chuyên cung cấp rùa cho người bán rong nhằm cắt đứt các mắt xích cung cấp rùa và hoạt động bán rùa trên địa bàn.
Mua bán, vận chuyển hay thậm chí là nuôi nhốt rùa mà không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp hay đáp ứng các điều kiện khác theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo loài, số lượng hoặc giá trị tang vật, hành vi nuôi nhốt, buôn bán trái phép các cá thể rùa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tối đa đối với cá nhân lên đến 15 năm tù theo quy định tại Điều 234, 244 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 400 triệu đồng đối với cá nhân theo quy định tại Điều 21, 22, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP).
Ngày 9/2/2021 UBND TP.Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 464/UBND-KT về tăng cường biện pháp quản lý động vật hoang dã trên địa bàn thành phố, trong đó chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm và Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện để chỉ đạo cơ quan chức năng, chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường “kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng mua bán động vật hoang dã dọc các tuyến đường”.
Bên cạnh động thái tích cực cần có từ các cơ quan chức năng, ý thức của cộng đồng là yếu tố quan trọng để ngăn chặn hoạt động săn bắt, buôn bán rùa trái phép. Kể từ đầu năm 2021, ENV đã triển khai chiến dịch “Không phóng sinh rùa chính là tạo phúc”.
ENV khuyến cáo người dân không mua rùa vì bất cứ mục đích gì, dù là để phóng sinh, nuôi nhốt hoặc để chuyển giao cho cơ quan chức năng. Người dân hãy thông báo đến cơ quan chức năng địa phương hoặc đường dây nóng miễn phí 1800-1522 nếu phát hiện các trường hợp bán rùa trên đường phố.
Hoài Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo