UNDP: Minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội là chìa khóa ứng phó với COVID-19
Kiên Giang: Triển lãm ảnh các di sản văn hóa và thiên nhiên tại Phú Quốc / Nghệ An: Bắt giữ 4 đối tượng chở 8 bao tải nghi là ma túy
UNDP vừa tổ chức hội thảo công bố Báo cáo “Ý kiến và kinh nghiệm của người dân về hành động ứng phó đại dịch COVID-19 của Chính phủ ở Việt Nam”. Báo cáo được thực hiện với sự hỗ trợ về tài chính và hợp tác của Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) Chính phủ Australia, UNDP và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong (MDRI) đã tiến hành một cuộc khảo sát xã hội học về nhận thức và trải nghiệm của người dân Việt Nam đối với các biện pháp ngăn chặn vi rút corona của chính quyền trung ương và địa phương.
“Tôi vô cùng ấn tượng trước quyết tâm kiểm soát COVID-19 của Việt Nam trong năm nay. Nhưng ấn tượng của tôi không thực sự quan trọng đối với chính sách công. Chính ấn tượng của những người mà chính sách đó hướng đến mới thực sự quan trọng. Khảo sát này cho thấy ngăn chặn đại dịch là cam kết chung của cả cộng đồng - đây là minh chứng cho nỗ lực của tất cả đội ngũ phòng chống dịch”, ông David Gottlieb, Tham tán Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Đại sứ quán Australia Việt Nam, chia sẻ.
Trưởng đại diện thường trú của UNDP bà Caitlin Wiesen phát biểu trong hội thảo cũng cho biết: “Việt Nam ứng phó thành công đại dịch COVID-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng. Hành động nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ kết hợp với lòng tin và sự tuân thủ của người dân đối với các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Chính phủ là chìa khóa thành công. Tôi tin rằng những bài học kinh nghiệm về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội từ thành công này sẽ giúp Chính phủ đối phó với khủng hoảng trong tương lai và giải quyết những thách thức mà người dân quan tâm hàng đầu trong bốn năm qua - nghèo đói, môi trường và tham nhũng (theo báo cáo PAPI)".
Về niềm tin và sự tin tưởng của người dân đối với hành động ứng phó với COVID-19 của Chính phủ, khảo sát cho thấy sự đồng thuận cao và sự ủng hộ mạnh mẽ của những người được hỏi đối với chính sách và hành động của chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch. Hơn 96% số người được hỏi đánh giá nỗ lực ứng phó của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống và Kiểm soát COVID-19 là tốt hoặc rất tốt, gần 94% có cùng đánh giá đối với nỗ lực ứng phó của chính quyền cấp tỉnh. Có tới 99% người được hỏi cho biết họ đeo khẩu trang khi ra ngoài và 93% rửa tay hàng ngày trong thời gian cao điểm của đại dịch.
Về tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế quốc dân và sinh kế của người dân, kết quả khảo sát cho thấy khu vực dịch vụ (như dịch vụ bán lẻ truyền thống và dịch vụ hộ gia đình) bị ảnh hưởng nhiều nhất. Cũng như vậy, những người không có tay nghề và làm việc trong các khu vực phi chính thức, thuộc nhóm nghèo nhất và nhóm cận nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất. 24% số người được hỏi cho biết đã bị mất việc làm và 65% cho biết thu nhập của họ bị giảm.
Về khả năng tiếp cận và hiệu quả của gói cứu trợ trị giá 62 nghìn tỷ đồng (tương đương 2,6 tỷ USD) của Chính phủ, kết quả của cuộc khảo sát cho thấy nhìn chung người dân có phản hồi tích cực đối với gói hỗ trợ này. Trong số những người được hỏi đã nhận được hỗ trợ từ gói viện trợ (21% trong số 1.335 người cung cấp thông tin), phụ nữ, người dân tộc thiểu số, các nhóm nghèo nhất và cận nghèo là nhóm mà gói hỗ trợ này hướng đến.
Tuy vậy, Trưởng nhóm nghiên cứu, đồng thời là Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mekong, Tiến sĩ Phùng Đức Tùng chia sẻ thêm thông tin từ một người trả lời thuộc diện người có công: “Bản thân tôi và các đồng đội là đối tượng thương binh, bệnh binh và người có công. Những người được hưởng lương và hỗ trợ hàng tháng, không bị ảnh hưởng đến thu nhập vì COVID-19, mà vẫn nhận được hỗ trợ từ gói 62 ngàn tỉ đồng. Trong khi những người lao động bị ảnh hưởng mất việc làm, giảm thu nhập thì lại không được nhận. Bản thân tôi và các đồng đội cảm thấy chính sách này chưa hợp lý và thấy xấu hổ khi nhận hỗ trợ”.
Theo khảo sát, ước tính có khoảng 13% số người được hỏi chưa biết đến gói hỗ trợ và người dân tộc thiểu số, người nghèo nhất, người dân ở các vùng nông thôn và những người có trình độ học vấn thấp hơn chưa tiếp cận được đầy đủ đối với thông tin về gói hỗ trợ này.
Tại hội thảo công bố kết quả khảo sát này, các chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới, Oxfam Việt Nam, Tổ chức Hướng tới Minh bạch và UNDP cũng chia sẻ những phát hiện từ các cuộc khảo sát khác và phản ánh về các vấn đề liên quan, như tác động kinh tế của đại dịch; tác động đến người khuyết tật; và tính minh bạch trong ứng phó với và khôi phục sau dịch bệnh.
Sử dụng phương pháp Phỏng vấn qua điện thoại có sự hỗ trợ của máy tính (CATI), cuộc khảo sát qua điện thoại chuyên sâu này được thực hiện trong tháng 9 năm 2020 với sự tham gia của 1.334 người được chọn ngẫu nhiên từ mẫu PAPI 2019. Bộ Ngoại giao và Thương mại của Chính phủ Úc đã hỗ trợ tài chính cho cuộc khảo sát này trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu 'Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh ở Việt Nam' (PAPI).
End of content
Không có tin nào tiếp theo