Vụ 4 du thuyền sông Hương bị nghi ngờ "nguồn gốc xuất xứ": Chủ thuyền nói gì?
Dư luận nghi ngờ
Thời gian vừa qua, dư luận tại tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng Công ty TNHH MTV Khắc Hùng không đủ năng lực nên đã mượn danh doanh nghiệp là Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận để đóng 4 chiếc du thuyền trên sông Hương. Trong khi đó, dù cơ quan nhà nước khẳng định cơ sở thực hiện đóng 4 thuyền gỗ du lịch trên sông Hương là Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận nhưng chủ doanh nghiệp này phủ nhận.
Cụ thể, Chi cục Đăng kiểm số 13 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam ngày 24/2 xác nhận đã cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 4 con thuyền du lịch trên sông Hương và đầm phá của Công ty TNHH MTV Khắc Hùng (trụ sở ở xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Việc cấp chứng nhận sau khi những chiếc thuyền này hạ thủy đã được kiểm tra, thử máy móc, các trang thiết bị… thỏa mãn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đóng tàu thủy nội địa. Trong 4 chiếc thuyền này thì 2 chiếc có thiết kế chở dưới 50 khách, 2 chiếc còn lại chở dưới 15 khách.
Theo Chi cục Đăng kiểm số 13, Công ty Khắc Hùng không đủ điều kiện hoạt động đóng tàu thủy nội địa nên là chủ thuyền, còn Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận (phường Thuận An, TP Huế) là cơ sở đáp ứng điều kiện nên được thuê đóng 4 chiếc thuyền này từ năm 2019 đến nay.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí bà Phạm Thị Thu Huyền, Giám đốc Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận khẳng định rằng công ty của bà không thực hiện đóng 4 chiếc thuyền du lịch này cho công ty Khắc Hùng. "Chúng tôi có cơ sở vật chất đóng tàu ở phường Thuận An nhưng sao lại triển khai đóng cho họ dưới gầm cầu Tư Hiền, cách nhau đến 40 km?", bà Huyền lý giải.
Với khẳng định của bà Huyền nhiều dư luận đã đặt ra câu hỏi? Liệu Công ty Khắc Hùng có phải mượn danh Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận để hợp thức hóa đóng 4 conthuyền du lịch trên?
Trên thuyền có không gian để du khách ngắm cảnh
Chủ thuyền nói gì?
Để làm rõ sự việc, ngày 5/3 phóng viênDoanh nghiệp Việt Namđã trực tiếp làm việc với chủ của 4 con thuyền du lịch trên sông Hương là ông Nguyễn Khắc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khắc Hùng. Ông Hùng khẳng định đơn vị có hợp đồng với công ty đóng tàu và các con thuyền này được đóng bằng cả tâm huyết, theo đúng thiết kế được duyệt.
Theo hồ sơ ông Hùng cung cấp, tổng mức đóng gần 30 tỉ đồng và do là Công ty TNHH Hàng hải Ngọc Mai thiết kế, phù hợp với quy định, có giá trị truyền thống về du thuyền cũng như mỹ quan trên sông Hương như phê duyệt của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vào tháng 3/2020. Đồng thời, được Cục Đăng kiểm Việt Nam chứng nhận thẩm định thiết kế, thiết kế sửa đổi năm 2020. Sau đó, công ty Khắc Hùng có hợp đồng thuê Công ty TNHH tàu thuyền An Thuận (trụ sở ở phường Thuận An, TP Huế) đóng.
Vào ngày 26/1, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã Cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho 4 chiếc thuyền này, gồm Ngự Hương 1 và 2 với thiết kế chở 48 khách/chiếc; Ngự Hương 3 và 4 là 16 khách/chiếc. Các thuyền đang neo đậu trên sông Hương để hoàn thiện các thủ tục trước khi chính thức hoạt động du lịch.
Ông Hùng chia sẻ: “Du lịch trên sông Hương không còn mới mẻ, mấy chục năm nay khách đến là đi thuyền rồng nhưng nay thuyền đã cũ kỹ, dịch vụ kém, không đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách. Đây là sản phẩm mà tôi chạy vạy kinh phí để làm bằng cả tâm huyết của mình nhằm góp sức nhỏ cho du lịch Huế phát triển hơn".
Theo ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 13 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc cấp chứng nhận sau khi các chiếc thuyền này hạ thủy đã được kiểm tra, thử máy móc, các trang thiết bị… thỏa mãn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đóng tàu thủy nội địa. "Quá trình Công ty Khắc Hùng đóng thì chúng tôi đã cử những kiểm định viên giỏi nhất về giám sát, hỗ trợ họ đóng cho đúng thiết kế thẩm định", ông Sơn nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế, công ty Khắc Hùng đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép được đóng 4 thuyền du lịch này.
Chủ của 4 du thuyền sông Hương cho rằng: Thuyền của công ty được làm bằng vật liệu gỗ, mang dáng dấp thuyền rồng truyền thống xứ Huế, bên trên có mái che, nội thất sang trọng để phục vụ khách.
Những du thuyền Ngự Hương của công ty Khắc Hùng.
Ông Hùng cho biết năm 2017, công ty ông đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch Bát Sơn Lộng Nguyệt – Tám Núi Vớn Trăng tại xã Lộc Điền huyện Phú Lộc. Đây là điểm kết hợp nghỉ dưỡng cho du khách thưởng ngoạn du thuyền từ sông Hương về đầm phá và ngược lại. Vì vậy, ông Hùng dự định đóng thêm thuyền du lịch phục vụ du khách qua đêm với kinh phí trên 100 tỉ đồng để khai thác du lịch.
Ông Lê Xuân Sơn cho biết thuyền rồng du lịch trên sông Hương xuất hiện từ năm 1994-1995 với 2 chiếc đầu tiên của Công ty du lịch Hương Giang và sau đó người dân sống trên sông nước đóng, cải hoán để chở khách du lịch. Chất liệu làm chủ yếu vỏ kim loại và các thuyền đều đứng tên hợp tác xã để hoạt động và sắp ngưng hoạt động vì hết niên hạn sử dụng.
Theo thống kê, hiện nay đang có hơn 100 thuyền rồng hoạt động trên sông Hương. "Thuyền rồng chở du khách mà trên thuyền áo quần treo nhếch nhác, gia đình cùng sinh sống trên đó, phục vụ không chuyên nghiệp. Vậy nên chúng tôi rất ủng hộ công ty Khắc Hùng khi họ đóng những chiếc thuyền này để làm cho du lịch Huế phát triển", ông Sơn chia sẻ thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo