Tỉnh bảo nhà bé Nhung thoát nghèo là đúng!
Thương cho người cha, có lẽ cả đời anh sẽ dằn vặt mình vì không có đủ tiền mua cho con một cái kem để nó ăn trước lúc chết.
Sau cái chết của bé Nhung ở Hà Tĩnh, Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh đã có đoàn cán bộ về thăm gia đình, tại đây, ông Phó Giám đốc Sở khẳng định nhà bé Nhung thoát nghèo là đúng!
Ai đã biết câu chuyện về bé Phạm Thị Nhung- một bé gái lớp 3 đã chết đuối vì ngã xuống sông do đói quá chắc không thể cầm nổi nước mắt khi đọc bài báo “Gia cảnh bé gái chết đuối trên đường đi học về nghèo đói đến mức nào?” trên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
Bài báo cho biết: “Sau khi em Nhung ra đi, nhiều người mang lúa, gạo và tiền đến giúp đỡ gia đình anh Vân, chị Quý nên trên bàn thờ em ngoài bát cơm trắng cúng em thì có thêm đĩa thịt heo nấu. Chị mất, các em cũng được những bữa cơm no có thịt”.
Còn bữa cơm thường xuyên của gia đình đó thế nào, chị Loan hàng xóm cho biết: “Có những lần tôi sang thấy cha con anh Vân nấu cơm mà toàn nước loãng hơn cháo, bột súp, mì chính cũng không có mà nêm”.
Chị Loan kể thêm: “Tôi thấy anh Vân không lười nhác, mà do quá ít ruộng lại không có trâu, bò để cày bừa. Chị Quý thì sức khỏe yếu không làm được gì. Anh Vân không rượu chè, tích cực đi làm thuê nhưng có phải lúc nào cũng có người thuê đâu nên nhà thiếu đói triền miên”.
Anh Vân, bố của bé Nhung đến giờ vẫn còn day dứt và tự trách mình vì đã để cho con gái ra đi mà bụng đói như vậy. Anh nói với phóng viên: “Tôi đón con ở cổng trường thì Nhung nói: “Con đói, nóng trong người lắm, cha mua cho con cái kem”. Lúc ấy tôi không một đồng dính túi để mua kem, mua sữa cho con nên động viên con là về ki ốt gần nhà để cha mua nợ. Nhưng con đã ra đi mãi mãi rồi. Tôi có lỗi vì để con vì đói khổ quá mà chết”.
Ai đọc những chi tiết trên đây mà nghĩ là nó đang xảy ra ngày hôm nay, tháng 10 năm 2014?
Ai ngờ được những gia cảnh gạt nước mắt bán chó bán con của nhà chị Dậu trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố đến giờ vẫn còn rơi rớt lại đến mức này?
Ông chủ tịch xã Đức Bồng nói thế này: “Cả xã Đức Bồng có 144 hộ nghèo. Gia đình anh Vân cũng rất khó khăn, xã có sơ suất là đưa gia đình này thoát nghèo để lên hộ cận nghèo. Giờ muốn hay không muốn thì lần sau (tức năm 2015) sẽ đưa gia đình anh Vân vào diện hộ nghèo”.
Tuy nhiên bài báo dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thông- Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Cháu Nhung chết không phải do đói mà do em bị bệnh tim, vì sức khỏe yếu đã đâm xe đạp vào thành cầu rơi xuống sông. Do vậy sẽ cấp chi phí mai táng cho gia đình… Gia đình anh Vân thoát nghèo là đúng quy định hiện nay bởi thu nhập bình quân của gia đình anh năm 2013 là 530.000 đồng/người/tháng”.
Đọc lời phát biểu của ông Phó Giám đốc, bạn đọc cảm thấy thế nào? Giờ có phải là lúc tranh cãi xem gia đình bé Nhung thoát nghèo là đúng hay sai quy định hay không? Đứng trước cái chết của một đứa bé đáng thương như thế, làm sao có thể thốt ra những lời lạnh lùng ráo hoảnh như vậy?
Ông Thông cho biết thêm: Nhà nước đã cấp tiền cho gia đình anh Vân xây nhà (8 triệu đồng), em Nhung đã được phẫu thuật tim miễn phí, được hưởng bảo trợ xã hội 270.000 đồng/tháng.
Được hưởng từng ấy thứ như thế, gia đình em Nhung ra khỏi diện nghèo là phải, là đúng với các quy định hiện hành.
Căn nhà của bé Nhung trước là nhà tranh, năm 2010, vợ chồng anh Vân được cấp 8 triệu đồng và vay 8 triệu đồng để xóa nhà tranh tre dột nát. Anh Vân đi làm thuê tích cóp và vay mượn tổng cộng 22 triệu đồng, xây được căn nhà cấp bốn thì không còn tiền để làm cửa. Anh Vân cho biết đầu năm 2011, sau khi anh làm nhà ngói xong thì bị đưa ra khỏi hộ nghèo.
Bé Nhung được mổ tim miễn phí nhưng 3 tháng ăn ở nằm viện ở Huế, gia đình nghèo này gánh thêm 22 triệu đồng tiền nợ, đến giờ vẫn chưa trả xong thì bé Nhung mãi mãi ra đi.
Từ đầu đến cuối bài báo, tôi tìm mãi mà không thấy một sự thông cảm, đau buồn nào từ người đại diện cho Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh, chỉ thấy ông khẳng định: “thoát nghèo là đúng” chắc như đinh đóng cột.
Nhà bé Nhung thoát nghèo để lên hộ cận nghèo, thì có khác gì nhau, khi mà bé đã chết rồi, còn 3 đứa em của Nhung nữa, đứa em gái 8 tuổi sát Nhung, cô giáo cho biết cũng thường xuyên ngất trong lớp vì đói. Cha mẹ chúng quá nghèo, mù chữ, không có ai thuê làm mướn thì lấy đâu ra tiền để nuôi chúng đây?
Vì trót vay mượn xây được một gian nhà ngói để lấy chỗ chui ra chui vào nên nhà bé Nhung được xếp vào diện “thoát nghèo”, chính quyền địa phương hồ hởi với thành tích ấy. Thoát nghèo có nghĩa lý gì khi mà cơm vẫn không có ăn, con cái vẫn ngất trong lớp vì đói, và đứa lớn nhất đã chết đuối trên đường từ trường về nhà?
Câu chuyện của gia đình bé Nhung cần phải được nói nhiều hơn nữa trên mặt báo, để chúng ta không được phép quên rằng, trên đất nước này, vẫn còn có những gia đình đang sống như thế, đang đứt bữa, đang húp cháo loãng cầm hơi. Trong khi đó, bao nhiêu lễ lạt hội hè tốn kém, bao nhiêu công trình trăm tỷ bị lãng phí vì bỏ hoang.
Đừng nói rằng “bé Nhung chết đuối, có phải chết vì đói đâu” như ông Phó Giám đốc, nghe ráo hoảnh lắm, lạnh lùng lắm. Nếu không vì cái đói, thì đứa trẻ có phải bỏ dở buổi học mà về nhà để rồi phải chết đuối thảm thương như vậy không?
Nếu là một người có trách nhiệm, có lương tâm, biết được hoàn cảnh một gia đình như vậy, liệu người lãnh đạo có cảm thấy thoải mái mà kê cao gối ngủ, chỉ cần tuyên bố thẳng thừng rằng theo quy định, nhà ấy được đưa ra khỏi diện thoát nghèo là xong hay không?
Mỗi năm các địa phương luôn báo cáo thành tích là đưa được bao nhiêu hộ ra khỏi diện thoát nghèo để xếp vào diện cận nghèo, nhưng việc làm họ không có, cơm không có để ăn, húp cháo cầm hơi thì thoát nghèo thế nào đây?
Tuy nhiên tỉnh bảo rồi, gia đình bé Nhung thoát nghèo là đúng!
Chỉ có cái đói là sai thôi.
Chẳng ai là người có lỗi trong chuyện này cả.
Thương cho người cha, có lẽ cả đời anh sẽ dằn vặt mình vì không có đủ tiền mua cho con một cái kem để nó ăn trước lúc chết.
Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo