Quốc tế

Tình hình bán đảo Triều Tiên: Chủ tịch Kim Jong-un diễn lại 'bài cũ'

(DNVN) - Ở khu vực Đông Bắc Á, tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang căng thẳng khi Chủ tịch Kim Jong-un liên tiếp ra lệnh phóng tên lửa đạn đạo.

Theo hãng thông tấn Reuters, nếu chỉ nhìn vào mức độ căng thẳng thì không thể không thấy chiều hướng diễn biến tình hình nhanh chóng và quyết liệt hơn trước nên trên lý thuyết ẩn chứa rõ nét hơn nguy cơ bùng phát xung đột. Nhưng nếu nhìn vào cách thức các bên leo thang căng thẳng với nhau thì sẽ nhận ra được ngay là tất cả đều "chơi bài cũ".

Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên.

Triều Tiên đã làm những gì trước đây đã từng làm. Lời dọa dẫm và răn đe đã được nói ra. Khu công nghiệp chung với Hàn Quốc đã bị Triều Tiên đóng cửa. Cả thử nghiệm hạt nhân lẫn tên lửa đạn đạo cũng đã được tiếp tục thử.

Tên lửa tầm ngắn cũng đã nhiều lần được bắn ra biển. Tập trận quy mô lớn cũng đã được tiến hành. Quân đội lại được đặt trong tình trạng báo động. Cứ lặp đi lặp lại như thế đã nhiều lần.

Mỹ và Hàn Quốc mỗi khi trong tình huống như hiện tại đều kết hợp khẩu chiến với tăng cường hoạt động quân sự ở khu vực, lại tăng cường vũ trang và tiến hành tập trận, vừa tỏ ra củng cố liên minh vừa chứng tỏ tiềm lực quân sự dồi dào sẵn sàng đối phó với Triều Tiên.

Cách hành xử lâu nay của Trung Quốc là vừa chê trách Triều Tiên vừa kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Lo ngại lớn nhất của Trung Quốc là bên này hay bên kia manh động khiến cả một phản ứng dây chuyền bị kích hoạt làm cho diễn biến tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Tuy chỉ là đối tác bên ngoài nhưng Trung Quốc không thể tránh khỏi bị ảnh hưởng trực tiếp nếu xung đột hay đụng độ vũ trang bùng phát trên bán đảo Triều Tiên. Một khi xung đột vũ trang bùng nổ thì vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ giảm chứ không tăng.

 

Hơn nữa, Trung Quốc còn phải trù tính đến khả năng là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ lợi dụng leo thang căng thẳng với Triều Tiên để làm thay đổi đáng kể tương quan lực lượng quân sự hiện tại ở khu vực này.

Liên Hợp quốc cũng chỉ chơi con bài cũ với việc thông qua nghị quyết mới với những biện pháp mới trừng phạt Triều Tiên hay với những tuyên bố mới phê phán Triều Tiên.

Tất cả những nghị quyết và phê trách lâu nay này của Liên Hợp quốc chưa có tác dụng làm Triều Tiên thay đổi chương trình hạt nhân và tên lửa, cũng như chưa tác động đưa lại giải pháp giúp quan hệ của nhiều đối tác liên quan với Triều Tiên dịu đi hoặc được bình thường hóa.

Tất cả các đối tác này sẽ còn tiếp tục chơi bài cũ thêm một thời gian nữa. Họ ý thức được rất đầy đủ về giới hạn của leo thang căng thẳng và đối đầu. Tất cả đều chờ cơ hội để lại đi vào hòa dịu. Họ vẫn dành dư địa cho làm việc đó. Vấn đề chỉ là không bên nào sẵn sàng chủ động đi bước lùi đầu tiên, bởi lùi sẽ bị coi là yếu thế và bị tổn hại thể diện. Cho nên tuy là bài cũ thật đấy nhưng ván bài lại mới nên sẽ còn được tiếp tục.

Nên đọc



Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo