Tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng đầu năm 2017
Theo Báo cáo số 263/BC-TCTK ngày 27/10/2017 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính trong tháng 10/2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 2,4%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,2 tỷ USD, giảm 0,4%. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng so với tháng 9/2017: Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 8%; Điện thoại và linh kiện tăng 3,1%; Thủy sản tăng 1,7%; Hạt điều tăng 1,5% (lượng tăng 2,4%); Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,4%.
So với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2017 tăng 26,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 24,3%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 26,9%. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng khá so với cùng kỳ năm 2016: Điện thoại và linh kiện tăng 76,4%; Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 21,6%; Dệt, may tăng 19,6%.
Tính chung 10 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 48,2 tỷ USD, tăng 17,2%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 125,5 tỷ USD, tăng 22,1%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp (với tỷ trọng lớn thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) tăng cao so với cùng kỳ năm 2016: Điện thoại và linh kiện đạt 36,5 tỷ USD, tăng 28,8%; Dệt may đạt 21,5 tỷ USD, tăng 9,5%; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21 tỷ USD, tăng 38,8%;… Một số mặt hàng nông sản và nguyên liệu thô có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2016: Cà phê đạt 2,7 tỷ USD, giảm 1,8% (lượng giảm 22%); Hạt tiêu đạt 1 tỷ USD, giảm 20,6% (lượng tăng 21,4%);…
Cũng theo Báo cáo, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu dẫn đầu với 34,7 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2016; Tiếp đến là EU đạt 31,8 tỷ USD, tăng 15,7%; Trung Quốc đạt 25,6 tỷ USD, tăng 48%; Thị trường ASEAN đạt 18 tỷ USD, tăng 26,8%; Nhật Bản đạt 13,7 tỷ USD, tăng 14,7%; Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 28,6%.
Ước tính tháng 10/2017, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 18,5 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng 9/2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,0 tỷ USD, tăng 26,5%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 12,5 tỷ USD, giảm 7,4%. Kim ngạch một số mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất tăng: Xăng dầu tăng 20,9%; Sắt thép tăng 19%; kim loại thường tăng 11,5%; Vải tăng 7,5%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm: Sản phẩm chất dẻo giảm 7%; Điện tử, máy tính và linh kiện giảm 3,9%; Điện thoại và linh kiện giảm 2,1%.
So với cùng kỳ năm 2016, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 10/2017 tăng 16,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 5,4%; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,3%.
Tính chung 10 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 172,5 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 64,6 tỷ USD, tăng 11,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 107,9 tỷ USD, tăng 29,2%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 10 tháng năm 2017, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 47,1 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2016; Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 38,8 tỷ USD, tăng 48,4%; ASEAN đạt 22,6 tỷ USD, tăng 17%; Nhật Bản đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8%; EU đạt 9,9 tỷ USD, tăng 9,7%; Hoa Kỳ đạt 7,6 tỷ USD, tăng 10,5%.
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9/2017 xuất siêu 1,1 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2017 xuất siêu 1,23 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,40 tỷ USD; Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,63 tỷ USD./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao