Pháp luật

Tình tiết bất ngờ trong vụ án ông Trần Văn Vót

(DNVN) - Các cơ quan tố tụng trung ương kết luận ông Trần Văn Vót, người đã thụ án chung thân 23 năm về bốn tội (trong đó có tội giết người) ở Hà Nam không bị oan.

Thẩm phán TAND Tối cao Lương Ngọc Trâm cho biết tổ liên ngành đã thận trọng thẩm định lại tất cả nội dung mà đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan trung ương và cơ quan báo chí nêu trong suốt một năm rưỡi về vụ án ông Trần Văn Vót, theo tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM.

Ông Trần Văn Vót trong một lần gặp người thân thăm nuôi. Ảnh: PLO.

“Chúng tôi dùng phương pháp khách quan là mỗi một cá nhân thành viên tổ công tác tự quan sát, nghiên cứu các vấn đề…, sau đó có ý kiến riêng để trình lên tổ liên ngành, lãnh đạo ba ngành tố tụng ở trung ương cũng như trình lên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, Ủy ban Kiểm sát VKSND Tối cao (hai cơ quan có thẩm quyền cao nhất có thẩm quyền xem xét lại vụ án này theo trình tự giám đốc thẩm hay tái thẩm” - bà Trâm nói.

Đáng chú ý, ông Lương Ngọc Minh (Vụ trưởng Vụ 1, TAND Tối cao) cho biết tại phiên tòa sơ thẩm, ông Vót xin giảm nhẹ hình phạt đối với tội gây rối trật tự công cộng và tàng trữ vũ khí trái phép. 

Tại phiên phúc thẩm, ông Vót chỉ kêu oan về tội giết người và tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội, xin giảm nhẹ hình phạt đối với hai tội còn lại. “Đến nay ông Vót lại cho rằng mình bị oan cả bốn tội là hoàn toàn không có căn cứ” - ông Minh nói.

Khi được hỏi về căn cứ kết tội ông Vót, đại diện Bộ Công an cho biết Trần Ngọc Thanh là người trực tiếp ném lựu đạn và khai lựu đạn này do ông Vót đưa. Đây là căn cứ rất quan trọng. Cạnh đó, trong suốt quá trình giải quyết vụ án, ông Vót luôn thừa nhận mình có mặt trước, trong và sau khi lựu đạn nổ. Lời khai này phù hợp với lời khai của các bị cáo khác.

Theo báo Người lao động, hồ sơ vụ án cho hay, do mâu thuẫn về tranh chấp đất đai giữa 2 miền Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc), trưa 29/11/1992, người dân 2 miền xảy ra xô xát. Lúc đó, ông Trần Văn Vót (là Bí thư Chi bộ 4 Lý Nội, Nhân Phúc) đã đưa cho Trần Ngọc Thanh (SN 1974, người xã Phú Phúc) 1 quả lựu đạn để ném về phía người dân Thanh Nga. Thế nhưng, Thanh đã ném lựu đạn trúng vào nhóm người dân Nhân Phúc làm 1 người chết (ông Trần Hoa Việt) và 21 người bị thương.

 

Tháng 2/1994, TAND tỉnh Hà Nam tuyên phạt Trần Văn Vót tù chung thân, Trần Ngọc Thanh 15 năm tù. Tòa phúc thẩm sau đó giữ nguyên hình phạt với 2 bị cáo.

Năm 2000, VKSND Tối cao đã nghiên cứu hồ sơ vụ án và thấy rằng việc kết án có căn cứ, không oan. Tại cuộc họp liên ngành trung ương ngày 31/7/2015 do Phó Chánh án Nguyễn Sơn chủ trì, với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương và đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an và VKSND Tối cao đã thống nhất, bàn bạc lập tổ chuyên viên liên ngành để nghiên cứu lại vụ án, xác minh các vấn đề liên quan.

Sau khi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có công văn kiến nghị xem xét lại vụ án, ngày 21/4/2016, Văn phòng Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gửi lãnh đạo Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao xem xét lại vụ án này. 

Từ kết quả tổng hợp các vấn đề đã được thẩm định, xác minh, các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương kết luận: Các căn cứ mà tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm áp dụng để kết tội Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh về tội “Giết người” là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.

Nên đọc
Dã Qùy (T/H)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo