Quốc tế

Tổ chức nghiên cứu của Mỹ: Ngạc nhiên về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc

Liên quan đến việc Trung Quốc chào thầu 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Peak Oil Group - một tổ chức nghiên cứu dầu mỏ quốc tế có trụ sở tại Mỹ - cho rằng, nếu đọc những thông tin về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông và nghiên cứu bản đồ sẽ thấy rõ bản chất của sự việc.

“Nếu nhìn bản đồ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở vùng biển cách Việt Nam chưa đầy 100 dặm và cách mà Trung Quốc chào thầu 9 lô dầu khí mới thấy thật đáng kinh ngạc. Bản đồ đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) cũng vậy, nằm sâu vào bên trong khu vực 100 dặm tính từ bờ biển của Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam” - bài báo viết.



Trong một diễn biến khác, hôm 5/7, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Thanh tới trao công hàm phản đối việc Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nói, tuyên bố của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Philippines, trong đó có bãi cạn Scarborough, vùng lãnh hải và thềm lục địa của Philippines. “Tuyên bố thành lập “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần ứng xử của các bên trên biển Đông” - ông Hernandez nói.



Trước đó, trong tháng 6, Quốc vụ viện Trung Quốc chính thức phê chuẩn thành lập “thành phố Tam Sa”, trong đó bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.



Theo mạng “Tin tức Trung Quốc”, Cục trưởng Cục Hải dương quốc gia nước này Lưu Dịch Quý ngày 4/7 đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hải Nam về các nội dung liên quan đến công tác kiện toàn quy hoạch cũng như triển khai công việc cụ thể của cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

 

Giới chức tỉnh Hải Nam cho biết sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu hải sản ở “thành phố Tam Sa” để nghiên cứu các nguồn lợi thủy sản.



Trước đó, tờ “Đại Công báo” của Hồng Kông ngày 4/7 cho biết, Cơ quan Nghiên cứu khoa học kỹ thuật Trung Quốc vừa công bố kế hoạch xây dựng “trạm không gian biển sâu” trong 20 - 30 năm tới, có thể hoạt động ở độ sâu 1.000m so với mặt biển, làm căn cứ để khai thác tài nguyên hải dương.

 

Trong kế hoạch ba bước xây dựng “trạm không gian biển sâu”, Trung Quốc đã hoàn thành bước thứ nhất là nghiên cứu chế tạo tàu thử nghiệm “trạm không gian biển sâu” cỡ nhỏ.



Hiện Trung Quốc đang thực hiện bước thứ hai là nghiên cứu chế tạo trạm công tác di động biển sâu cỡ nhỏ, đủ năng lực hoạt động dưới đáy biển trong 18 ngày đêm, dự kiến sẽ hoàn thành vào thời kỳ cuối của chương trình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 12.

 

Bước thứ ba mới ở giai đoạn nghiên cứu về mặt lý thuyết để xây dựng “trạm không gian biển sâu” tương lai, mà ở đó con người có thể sống dưới nước trong 60 ngày đêm.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Browne: Giải quyết tranh chấp biển Đông theo luật quốc tế



Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai từ ngày 3 - 5/7, Thứ trưởng Browne cho biết, mặc dù Anh không phải là nước ở Châu Á - Thái Bình Dương và không có mối quan tâm trực tiếp đến tranh chấp trong khu vực, nhưng đứng trên góc độ quốc tế, Anh nhận thấy vấn đề hàng hải và lưu thông hàng hải tại biển Đông rất quan trọng, giúp thúc đẩy thương mại trong khu vực Châu Á và toàn cầu.



Ông Browne hy vọng bất đồng giữa các nước có liên quan không gây cản trở cho thông thương hàng hải. Về khía cạnh chính trị, Thứ trưởng Browne kêu gọi tất cả các bên lưu ý giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế, đúng quy tắc pháp quyền, tôn trọng các nước láng giềng. 

 

 

Theo

 

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo