Pháp luật

Toà Hà Nội bác đơn huỷ phán quyết của Vinalines

Sau hơn 8 tháng thụ lý đơn yêu cầu huỷ phán quyết của Hội đồng trọng tài mà Vinalines đệ trình, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã ra quyết định giữ nguyên phán quyết, theo đó Vinalines phải bồi thường cho nhà thầu Hàn Quốc 65,2 tỉ đồng.

Một góc vịnh Vân Phong (Khánh Hoà), nơi xảy ra vụ tranh chấp hợp đồng giữa Vinalines và nhà thầu Hàn Quốc Ảnh:TL

Hôm 3-10, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã ban hành quyết định 09 do thẩm phán Nguyễn Thị Đào ký thông báo quyết định của toà án về việc không huỷ phán quyết trọng tài vụ kiện số 28/12 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC).

Phán quyết được Hội đồng trọng tài VIAC ban hành hồi tháng 1, sau đó sửa chữa số liệu hồi tháng 2 năm nay đã buộc Vinalines phải bồi thường cho nhà thầu Hàn Quốc SK Engineering & Construction (nguyên đơn), gọi tắt là SK E&C 65,2 tỉ đồng (chưa tính tiền phí trọng tài) do Vinalines vi phạm hợp đồng thi công xây dựng cầu tàu cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa).

Sau khi nhận được phán quyết nêu trên, Vinalines (bị đơn) đã kiện ngược Hội đồng trọng tài ra toà Hà Nội, nêu ra 5 điểm mà bị đơn cho là vi phạm thủ tục tố tụng trọng tài (Luật trọng tài không cho phép toà xem xét nội dung xét xử mà chỉ xem xét thủ tục tố tụng đúng hay sai) và yêu cầu huỷ phán quyết. Trong lúc vụ việc bị “treo” kéo dài tại toà Hà Nội vì không có phiên xét xử, tàu của Vinalines đã bị bắt giữ tại Hàn Quốc khiến doanh nghiệp này phải chi ra 70 tỉ đồng để giải phóng tàu về.

Hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã phải ký văn bản đề nghị toà Hà Nội xem xét đơn đề nghị của Vinalines theo đúng trình tự pháp luật

Tại quyết định do thẩm phán Nguyễn Thị Đào ký nêu rằng “Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội thấy không có căn cứ để chấp nhận các yêu cầu về việc huỷ phán quyết”. Viện đồng thời đề nghị toà không huỷ phán quyết này.

Phía toà nhận định Hội đồng trọng tài và các bên đã tuân thủ đúng thủ tục tố tụng của Luật trọng tài thương mại, đúng với pháp luật Việt Nam. Do quy định không xem xét về nội dung vụ xét xử nên toà không được quyền đánh giá lại nhận định của Hội đồng trọng tài về nội dung, chứng cứ liên quan đến vụ tranh chấp.

Hội đồng xét đơn cũng thấy rằng, Hội đồng trọng tài không có nghĩa vụ phải đưa các bên liên quan đến vụ việc vào quá trình xét xử. Các bên liên quan khác trong vụ tranh chấp này được hiểu như những bên làm chứng. Và nếu muốn, Vinalines hoặc nguyên đơn phải đề nghị mời những người này vào cuộc. Song cả nguyên đơn và bị đơn đã không thực hiện quyền này.

Điều quan trọng nhất tòa cho rằng ý kiến của Vinalines về việc Hội đồng trọng tài tuyên án hai lần là không đúng. Vinalines thì tố rằng, tại phán quyết lần thứ nhất (được ghi là chung thẩm), Vinalines bị tuyên phạt 47,9 tỉ đồng. Sau đó, Hội đồng trọng tài lại ra quyết định sửa chữa phán quyết, nâng số tiền này lên 65,2 tỉ đồng.

 Tuy nhiên, Hội đồng xét đơn lại thấy rằng tại quyết định sửa chữa và giải thích phán quyết, Hội đồng trọng tài không giải quyết lại, không thay đổi các khoản tiền cho phía SK E&C mà chỉ sửa chữa lỗi số liệu tại một số chỗ trong phán quyết do nhầm lẫn con số thanh toán tạm ứng được khấu trừ (70 tỉ đồng thay vì 87 tỉ đồng tại phán quyết) và số tiền lệ phí trọng tài. Luật trọng tài cho phép việc sửa chữa số liệu.

Toà Hà Nội cũng nhấn mạnh rằng quyết định của toà là quyết định cuối cùng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 3/10/2014. Các bên đều không có quyền khiếu nại, kháng cáo.

Như vậy. Vinalines buộc phải thực hiện đầy đủ phán quyết của Hội đồng trọng tài và toà án, trả 65,2 tỉ đồng cho nhà thầu SK E&C. Nếu không, các tàu của Vinalines lại có thể tiếp tục lâm vào cảnh bắt giữ tại vùng biển quốc tế theo yêu cầu của toà án Hàn Quốc. Đây là một số tiền rất lớn trong bối cảnh doanh nghiệp đang vật lộn để tái cơ cấu nợ hàng chục ngàn tỉ đồng do làm ăn thua lỗ.

TBKTSG
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo