Pháp luật

Tòa mải việc gì mà… “quên” án?!

Liên quan đến vụ hơn 400m3 gỗ lậu tại lòng hồ thủy điện Sê San 4 bị TAND huyện Ia Grai “bỏ quên” không đưa ra xét xử, mới đây, ông Đặng Phan Chung- Chánh án TAND tỉnh Gia Lai cho biết: Sẽ bố trí để Chánh án TAND huyện Ia Grai làm công tác khác.

Gỗ trục vớt tại lòng hồ Sê San 4. ảnh: Huỳnh Kiên

Về việc “vụ án bị bỏ quên”, Tòa án tỉnh đang tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cá nhân ông Đỗ Xuân Bình - Chánh án TAND huyện Ia Grai. Theo ông Chung, Chánh án mà “bỏ quên” không đưa vụ án ra xét xử là không thể chấp nhận được. Tới đây, sẽ xem xét xử lý kiểm điểm ông Bình trước toàn ngành và bố trí ông này sang công tác khác.

Viện yêu cầu, Tòa làm lơ
 
Trước đó (tháng 4/2010), trên địa bàn xã Ia O thuộc huyện Ia Grai, cơ quan chức năng đã phát hiện 2 bãi gỗ với khối lượng trên 450m3 và ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.
 
Ngày 12/1/2012, VKSND huyện Ia Grai ra cáo trạng truy tố các bị can Trần Xuân Quỳnh và các đồng phạm về tội danh trên. Ngày 7/9/2012, TAND huyện Ia Grai đưa vụ án ra xét xử, và hoãn tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đến ngày 7/11/2012, VKSND huyện Ia Grai chuyển hồ sơ sang Tòa, giữ nguyên quan điểm truy tố. Tuy nhiên, TAND huyện Ia Grai không đưa vụ án ra xét xử.
 
VKSND huyện đã 2 lần gửi kiến nghị đến TAND huyện Ia Grai, yêu cầu đưa vụ án ra xét xử (ngày 7/6/2013 và 23/10/2013), nhưng TAND huyện không có văn bản trả lời.
 
Gần đây (ngày 20/3/2014), VKSND tỉnh Gia Lai đã có văn bản kiến nghị việc vi phạm của TAND huyện Ia Grai gửi Chánh án TAND tỉnh Gia Lai, yêu cầu đưa vụ án ra xét xử và kiểm điểm trách nhiệm thẩm phán được phân công để xảy ra vi phạm.
 
Về việc không đưa vụ án ra xét xử, ông Bình lý giải: Do có quá nhiều vụ án và công việc bận rộn nên “quên” đưa ra xét xử, chứ không phải kéo dài vụ án nhằm mục đích gì khác!
 
Lại điều tra bổ sung tiếp!
 
Ngày 28/4, TAND huyện Ia Grai đã đưa ra xét xử các bị cáo Trần Xuân Quỳnh, Bùi Văn Chủ, Nguyễn Văn Ty và Lê Văn Tuấn (nghề nghiệp làm nông, làm thuê). Một lần nữa, Tòa đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vì cho rằng vụ án “bỏ lọt người, lọt tội”, nhiều cá nhân, cơ quan liên quan đến vụ án này đều thoát khỏi truy tố một cách khó hiểu (?).
 
Theo hồ sơ vụ án, vụ trục vớt gỗ trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 kéo dài gần 9 tháng nhưng không bị phát hiện. Trách nhiệm của Hạt kiểm lâm Ia Grai và Đồn Biên phòng 717 không thể không đặt ra. Quá trình xử lý số gỗ vi phạm cũng có nhiều khuất tất. Sau khi phát hiện 2 bãi gỗ, Hạt kiểm lâm huyện đã đo đạc hơn 450m3 gỗ từ nhóm I –VII, sau đó bán được hơn 680 triệu đồng, gửi vào tài khoản Công an huyện Ia Grai giữ. Qua tài liệu của CQĐT, có nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ, như gỗ thu tại hiện trường là từ trục vớt tại lòng hồ, hay đưa từ nơi khác về (gỗ từ Kon Tum thả trôi sông qua địa bàn Gia Lai để hợp thức hóa gỗ trái phép - PV).
 
Liên quan đến số gỗ bị phát hiện, ban đầu Trung tá Nguyễn Đình Bình – quân nhân Quân đoàn 3 đã đến hiện trường nhận gỗ của Quân đoàn 3 nên được lập biên bản vi phạm hành chính. Về vấn đề này, cáo trạng chưa làm rõ ông Bình nhận số gỗ với tư cách cá nhân hay do Quân đoàn 3 cử đi làm việc. Cùng với đó, vụ việc này nếu không khởi tố điều tra, đưa ông Đinh Hoài Thương (Giám đốc Cty Thương Tín, đơn vị ký kết trục vớt gỗ lòng hồ thủy điện Sê San 4 với Quân đoàn 3) ra xét xử là không đảm bảo cho việc kết tội các bị cáo, đó là quan điểm của thẩm phán được giao giải quyết vụ án.
Tiền Phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo