Môi trường

Tòa môi trường- “Bảo kiếm” mới bảo vệ môi trường?

Số các vụ vi phạm môi trường ngày càng tăng trong khi các chế tài dường như chưa đủ mạnh. Tại hội thảo “Bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng nhìn từ khía cạnh cải cách tư pháp” diễn ra ngày 27/11, một báo cáo được nhiều người quan tâm đấy là việc thúc đẩy thành lập tòa môi trường

Người đỏ điện

Nhắc lại câu chuyện xảy ra ở Đại Từ, Thái Nguyên, nơi một thời gian nóng lên vụ nhiễm điện do đường dây 220kv, ông Hoàng Văn Vy, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường kể khi đó người dân tố cáo EVN, cho rằng đường dây điện ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.

“Trực tiếp tôi đứng ngoài sân của nhà dân vào lúc 9h tối và đo bằng bút thử điện trên người thấy sáng”, ông Vy cho biết. Câu chuyện nghiêm trọng đến mức người dân tố cáo lên tận trung ương bất chấp UBND các cấp đã giải quyết.

Đại Từ, Thái Nguyên là một trong những hàng ngàn ví dụ của việc khiếu kiện liên quan đến môi trường.

Theo Ths. Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng phòng Tòa án Nhân dân Tối cao , hiện nay chưa có tổng kết cụ thể nào về hậu quả của ô nhiễm môi trường sống đối với con người, nhưng minh chứng rõ ràng nhất là số nạn nhân bị các chứng bệnh ung thư ngày càng gia tăng.

Kết quả điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường hai năm trước ghi nhận 37 làng ung thư trên cả nước. Tại Việt Nam, ung thư  xảy ra ở hàng loạt tại một số tỉnh, thành phố lớn gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ... Ước tính mỗi năm nước ta có từ 130.000 – 160.000 trường hợp mắc mới và khoảng 85.000 – 115.000 trường hợp tử vong do bệnh này.

Trong khi đó theo ông Tùng, các tranh chấp về môi trường có thể được giải quyết bằng nhiều con đường khác nhau như hành chính, dân sự, kinh tế, hình sự. Điều này khiến các vi phạm môi trường nhiều nhưng không được giải quyết triệt để, mới chỉ dừng lại ở xử lý hành chính.

Tính riêng năm 2014, Tòa án Nhân dân Tối cao đã thụ lý 246 vụ án/395 bị cáo, trong đó đã xét xử 148 vụ án/308 bị cáo. Qua số liệu thống kê về kết quả công tác xét xử đối với các tội phạm về môi trường cho thấy, số các vụ án về các tội phạm về môi trường được đưa ra xét xử chủ yếu tập trung vào hai tội danh: tội hủy hoại rừng và tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Tuy nhiên, hiện nay công tác xét xử của Tòa án đối với các vụ án liên quan đến môi trường vẫn còn vấp phải rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Đơn cử, việc xác nhận nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại là vấn đề rất khó. Mức độ thiệt hại, lỗi, đối tượng chịu sự tác động.

Theo quan điểm của một số chuyên gia, việc xác định nguyên nhân là có thể, còn mức độ lỗi, mức độ thiệt hại trong nhiều trường hợp là không thể, trừ khi có sự thừa nhận của chủ thể gây ô nhiễm.

Ths. Tùng cho rằng, chúng ta đang dùng cơ chế hành chính để giải quyết tranh chấp môi trường là chủ yếu nên hiệu quả mang lại chưa cao. Mô hình và khung pháp lý cho giải quyết tranh chấp tại tòa án hiện chưa được xây dựng

Kết quả điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường hai năm trước ghi nhận 37 làng ung thư trên cả nước.

Ai bảo vệ dân?

Mặc dù số hành vi vi phạm về môi trường đã được phát hiện nhiều nhưng bị truy cứu trách nhiệm hình sự rất hạn chế. Trong 4 năm, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện và xử lý 11.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường nhưng chỉ có 200 vụ chuyển cơ quan điều tra khởi tố.

Ngoài ra do tính chất phức tạp của các tranh chấp về môi trường, tính không chắc chắn và liên quan đến mọi mặt của vấn đề môi trường. Thiếu đội ngũ thẩm phán có trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng trong quá trình xét xử khiến cho tòa án gặp phải khó khăn lớn về mặt kiến thức chuyên ngành và kỹ thuật trong giải quyết vụ án môi trường. Do vậy, hậu quả phát sinh chính là sự kéo dài của các vụ kiện tụng, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân không được đảm bảo.

Ths. Tùng cho biết vai trò của Tòa án trong vấn đề môi trường còn rất mờ nhạt. Do đó, Tòa án Nhân dân Tối cao đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập Tòa môi trường ở Việt Nam.

Qua đó, cơ quan xét xử về môi trường được chuyên nghiệp hóa, đảm bảo trừng phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường, có thể giải quyết vấn đề vướng mắc của các vụ khiếu kiện về ô nhiễm môi trường nước ta hiện nay.

Việc thành lập Tòa môi trường là tòa chuyên trách giúp cho các thẩm phán có đủ tinh thần và thời gian nghiên cứu Luật Môi trường. Từ đó, có thể đưa ra những phán quyết đúng đắn với những vụ án tố tụng về môi trường khác nhau.

Đồng thời tạo điều kiện cho việc truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, khiến cho một số vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng được giải quyết kịp thời, chuyên nghiệp hóa và người bị hại nhận được sự bồi thường thỏa đáng.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thành lập Tòa môi trường có thể thúc đẩy việc tăng cường và tối ưu hóa chất lượng giải quyết các tranh chấp về môi trường, tính phổ biến, tính thống nhất và tính quyền lực của tư pháp sẽ có tác dụng thúc đẩy quan trọng đối với việc giải quyết vấn đề môi trường và triển khai công tác bảo vệ môi trường

Ông Tùng cho rằng, vấn đề là Việt Nam cần lựa chọn mô hình tòa án theo hướng tòa chuyên trách nằm trong hệ thống Tòa án nhân dân. Tòa môi trường chỉ được thành lập ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh, nhưng không phải được thành lập tràn lan tại tất cả các tỉnh mà căn cứ vào số lượng các loại vụ việc tòa án phải giải quyết ở từng khu vực, đội ngũ thẩm phán, công chức để thành lập Tòa môi trường.

 Từ ngày thành lập năm 1945 đến sau năm 1946, Việt Nam chỉ có ba loại tòa án: tòa án quân sự, toàn án đặc biệt và tòa án thường. Nhưng cho đến nay hệ thống tòa án của Việt Nam đã có thêm tòa án hành chính, tòa án kinh tế, tòa án lao động. Mới đây, Theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2014, hệ thống tòa án sẽ có thêm hai tòa chuyên trách là tòa gia đình và người chưa thành niên, tòa xử lý hành chính. Thành lập Tòa môi trường là một trong những xu hướng tất yếu.

Hồng Trang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo