Pháp luật

Tòa sai lầm vì xử nhẹ ‘quan’

TAND tối cao vừa đề xuất Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng kiểm tra, giám sát vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra ở TP.Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, do cấp sơ thẩm có dấu hiệu “nhẹ tay” với quan chức trong tỉnh.

Trước đó, cuối tháng 7.2013, TAND tối cao ra quyết định kháng nghị theo hướng đề nghị tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm số 33 ngày 29.6.2012 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử 8 bị cáo trong vụ án này.

Những bị cáo “VIP”

Theo hồ sơ, trong thời gian từ tháng 9.2006 đến 8.2010, Nguyễn Ngọc Quyền (nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP.Vĩnh Yên); Lại Hữu Lân (nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP.Vĩnh Yên); Nguyễn Xuân Trường (nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND P.Đồng Tâm, TP.Vĩnh Yên); Nguyễn Thị Kim Liên (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường); Nguyễn Thị Ngọc (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế hoạch); Nguyễn Xuân Liễn (nguyên Phó chủ tịch UBND H.Tam Đảo); Vũ Văn Chức (nguyên chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường); Nguyễn Văn Hòa (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) - đều là những người có quyền chức, hiểu rõ quy định nhà nước về quản lý đất đai cũng như chính sách ở địa phương nhưng vì mục đích cá nhân, vì động cơ vụ lợi nên lợi dụng chức vụ quyền hạn để chuyển đổi chủ đầu tư, báo cáo sai sự thật cho một số cá nhân kinh doanh tự do có được trên 225 m2 đất nông nghiệp tại P.Đồng Tâm để lập dự án khu đô thị bán kiếm lời. Ban đầu, dự án này được ngụy trang dưới dự án kinh tế trang trại do UBND P.Đồng Tâm làm chủ đầu tư. Hành vi cố ý làm trái của những người nói trên gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng, trong đó khoản tiền tham ô là hơn 7,4 tỉ đồng.

Trong vụ án này, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, hành vi của các bị cáo là bất chấp các quy định của pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước, coi thường dư luận xã hội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế cho nhà nước và nhân dân.

Cảnh cáo và án treo

Nhưng tại bản án hình sự số 33 ngày 29.6.2012, TAND tỉnh Vĩnh Phúc tuyên phạt Lại Hữu Lân và Nguyễn Ngọc Quyền cùng mức 5 năm tù giam, Nguyễn Xuân Trường 3 năm 6 tháng tù, Dương Đình Tâm 2 năm 6 tháng. 4 bị cáo còn lại gồm Nguyễn Thị Kim Liên, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Xuân Liễn và Vũ Văn Chức cùng được hưởng án treo. Riêng Nguyễn Văn Hòa bị cảnh cáo về tội thiếu trách nhiệm...

Theo kháng nghị của TAND tối cao, các bị cáo trong vụ án đều bị truy tố, xét xử theo khoản 3, điều 281 BLHS, có khung hình phạt từ 10 - 15 năm tù nhưng TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ không đúng quy định để cho các bị cáo Trường, Liên, Ngọc, Liễn, Chức, Tâm hưởng hình phạt dưới mức thấp nhất của khoản 3 điều 281 BLHS. Đồng thời tòa sơ thẩm cho các bị cáo Liên, Chức, Ngọc, Liễn được hưởng án treo trong khi Ngọc và Chức từng bị kết án. Việc áp dụng thời gian thử thách đối với Liễn và Chức ngắn hơn mức hình phạt là không đúng pháp luật...

TAND tối cao cũng xác định, việc tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Lân và Quyền mỗi người 5 năm tù, chỉ bằng 1 - 2 mức khởi điểm của khoản 3, điều 281 là đánh giá không đúng tính chất, mức độ phạm tội và vai trò các bị cáo trong vụ án nên đã sai lầm về đường lối xử lý, áp dụng không đúng pháp luật và không đúng hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về việc quyết định hình phạt.

 

Bỏ lọt tội phạm

 

Đặc biệt liên quan đến vụ án này, bị cáo đầu vụ là Nguyễn Anh Quân đã bỏ trốn và đang bị truy nã quốc tế. Bên cạnh đó TAND tối cao cũng cho rằng, các cơ quan tố tụng đã bỏ lọt tội phạm khi Lại Hữu Lân được tặng 1 xe ô tô Camry trị giá 1,1 tỉ đồng có dấu hiệu nhận hối lộ; Nguyễn Ngọc Quyền có dấu hiệu tham ô tài sản khi lời khai các bị cáo trong vụ án cho biết Quyền nhận hàng chục triệu đồng. Nhiều bị cáo khác trong vụ án cũng đã nhận hàng chục triệu đồng tiền mặt hoặc quà của doanh nghiệp.

 

Theo Thanh Niên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo