Pháp luật

Tòa tuyên án chung thân lần thứ hai đối với Trịnh Xuân Thanh

Sáng nay (05/02/2018), Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án đối với Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí (PVC) và các bị cáo khác trong vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại CTCP Bất động sản Điện lực Dầu khí (PVP Land).

Theo lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra và tại Tòa, có đủ cơ sở để luận tội đối với các bị cáo về tội Tham ô tài sản. PVP Land đã bán cổ phần với giá tương ứng 34 triệu đồng/m2 đất tại dự án Nam Đàn Plaza, thấp hơn so với giá trị thực 52 triệu đồng/m2. Tổng số tiền chênh lệch là 87 tỷ đồng, các bị cáo chiếm đoạt 49 tỷ đồng; trong đó bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC chiếm đoạt 14 tỷ đồng, Đinh Mạnh Thắng - nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà; bị cáo Đào Duy Phong - nguyên Chủ tịch PVP Land, chiếm đoạt 8 tỷ đồng; bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh - nguyên TGĐ PVP Land chiếm đoạt 2 tỷ đồng, Đặng Sỹ Hùng (đã chết) - nguyên Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch PVP Land chiếm đoạt 20 tỷ đồng.

Kết quả điều tra tại phiên tòa, các bị cáo đã lợi dụng để chiếm đoạt của nhà nước 87 tỷ đồng, đủ căn cứ để cấu thành tội Tham ô tài sản.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong phiên tòa xét xử vụ án Tham ô tài sản tại PVP Land.

Sau khi xác định hành vi, vai trò của từng bị cáo, HĐXX áp dụng điểm a khoản 4 Điều 278 BLHS năm 1999, nay là điểm a, khoản 4, Điều 353 BLHS năm 2015, xử phạt các bị cáo các mức án như sau:

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, tù chung thân về tội Tham ô tài sản.

Bị cáo Đào Duy Phong - nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land, 16 năm tù về tội Tham ô tài sản.

Bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh - nguyên TGĐ PVP Land, 13 năm tù về tội Tham ô tài sản.

Bị cáo Đinh Mạnh Thắng - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà, 9 năm tù về tội Tham ô tài sản.

 

Bị cáo Thái Kiều Hương - nguyên Phó TGĐ Công ty Vietsan, 10 năm tù về tội Tham ô tài sản.

Bị cáo Huỳnh Nguyễn Quốc Duy - kinh doanh tự do, 10 năm tù về tội Tham ô tài sản.

Bị cáo Lê Hòa Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5 - Công ty Minh Ngân, 8 năm tù, tổng cộng hình phạt là chung thân do bị cáo đã bị kết án chung thân trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty 1/5 bị khởi tố ngày 21/5/2010.

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Kế toán trưởng Công ty 1/5, 6 năm tù, tổng hợp hình phạt là chung thân do bị cáo đã bị kết án chung thân trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty 1/5 bị khởi tố ngày 21/5/2010.

Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo quy định của BLHS năm 2015

 

Ngày 20/06/2017, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự, theo đó Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Vấn đề tổng hợp hình phạt của nhiều bản án theo quy định của BLHS năm 2015 cần có văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo quy định tại Điều 56 BLHS năm 2015 về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì: 

“1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.

2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.

3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”
Theo như quy đinh tại Điều 56 BLHS năm 2015 về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có 03 trường hợp:

 

Trường hợp thứ nhất: “Trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.”. Đối với trường hợp này cần xác định rằng người đang chấp hành một bản án là người đó đang có nghĩa vụ phải chấp hành một bản án đã có hiệu lực pháp luật nghĩa là cả trường hợp người đó đã bắt đầu việc chấp hành hình phạt của bản án đó nhưng chưa chấp hành xong và cả trường hợp người đó chưa bắt đầu chấp hành hình phạt của bản án đã có hiệu lực pháp luật đó. Đồng thời Tòa án ra quyết định hình phạt đối với tội đang xử sau đó tiến hành tổng hợp hình phạt của các bản án thành hình phạt chung, đối với việc tổng hợp hình phạt áp dụng khoản 1 Điều 55 BLHS năm 2015 thì vấn đề tổng hợp hình phạt trong trường hợp, hình phạt của bản án trước là cải tạo không giam giữ, của bản án sau là tù có thời hạn. Trường hợp này, Toà án sẽ quy đổi toàn bộ hình phạt cải tạo không giam giữ của bản án trước thành hình phạt tù theo tỉ lệ 3:1, sau đó trừ đi hình phạt tù đã được đổi từ cải tạo không giam giữ vào hình phạt tù chung.

Thời hạn đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt chung.

Việc quyết định hình phạt được tổng hợp do Hội đồng xét xử quyết định và được ghi trong bản án.

Trường hợp thứ hai: “Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.” Đối với trường hợp này Toà án quyết định hình phạt cho một hay các tội đang xét xử (trường hợp phạm nhiều tội mới), sau đó cộng hình phạt hay các hình phạt đã tuyên với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước. Hình phạt chung không được vượt quá giới hạn được quy định tại Điều 55 BLHS năm 2015.

Trường hợp thứ ba: “Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.” Đối với trường hợp này người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của bản án chưa được tổng hợp thì ở đây các tội phạm được thực hiện khi chưa có bản án nào thì áp dụng khoản 1 Điều 55 BLHS năm 2015 nếu có tội phạm thực hiện sau khi đã có hiệu lực pháp luật thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 55 BLHS năm 2015.
Tuy nhiên trong thực tiễn xét xử vẫn đề tổng hợp hình phạt vẫn còn tồn tại hạn chế, bất cập:
Theo thông tư số 02/TTLN ngày 20./12/1991 của TANDTC_VKSNDTC (thông tư này ban hành nhằm hướng dẫn một số điều luật BLHS 1991). Do vấn đề tổng hợp hình phạt của nhiều bản án không có hướng dẫn cụ thể nên trong thực tế Tòa Án vẫn theo hướng dẫn của Thông tư nói trên.

 

Vấn đề tổng hợp hình phạt được hướng dẫn tại Mục 5 Thông tư số 02, theo đó, trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp thì Chánh án Tòa án ra quyết định tổng hợp hình phạt. Nhưng được chia ra thành các trường hợp cụ thể như sau:

 - Trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều của cùng một Toà án thì Chánh án Toà án đó ra Quyết định tổng hợp hình phạt.

- Trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Toà án khác nhau nhưng cùng cấp (cùng cấp huyện trong một tỉnh hoặc khác tỉnh, cùng cấp tỉnh, cùng cấp khu vực, cùng cấp quân khu) thì Chánh án Toà án ra bản án sau cùng (về mặt thời gian) ra quyết định tổng hợp hình phạt.

- Trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Toà án không cùng cấp thì Chánh án Toà án cấp cao hơn ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc bản án của Toà án cấp cao hơn có trước hay có sau.

- Trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án là của Tòa án nhân dân, có bản án là của Tòa án quân sự thì việc tổng hợp hình phạt cũng được thực hiện như trên.

 

- Trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật có bản án là của Toà án nước ngoài đã được Toà án Việt Nam công nhận, có bản án là của Toà án Việt Nam, thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao ra Quyết định tổng hợp hình phạt.

Nhưu vậy, vấn đề thẩm quyền tổng hợp hình phạt theo Điều 56 BLHS năm 2015 được xác định theo đó Tòa án xét xử sau có thẩm quyền tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, tuy nhiên vấn đề đặt ra là đối với trường hợp việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án mà hình phạt chung vượt quá phạm vi xét xử của Tòa án tổng hợp thì xử lý như thế nào? 

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị TAND tỉnh K tuyên phạt 25 năm tù về tội giết người, trong quá trình thụ lí A bỏ trốn khỏi nơi giam giữ nhưng sau đó bị bắt, Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh K xét xử về tội trốn khỏi nơi giam giữ. Như vậy, trong trường hợp này theo quy định tại Điều 56 BLHS Tòa án xét xử sau là Tòa án nhân dân huyện N tỉnh K có thẩm quyền tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, tuy nhiên nếu TAND huyện K tổng hợp hình phạt thì sẽ vượt quá thẩm quyền xét xử theo quy định tại Điều 268 BLTTHS năm 2015 trường hợp này xử lý như thế nào hiện nay tồn tại hai quan điểm.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trường hợp này TAND huyện N tỉnh K không có thẩm quyền tổng hợp hình phạt của nhiều bản án vì nếu tổng hợp sẽ vượt quá thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện, quan điểm này đồng nhất hai khái niệm thẩm quyền xét xử và thẩm quyền tổng hợp hình phạt của nhiều bản án.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Tòa án nhân dân huyện N tỉnh K có thẩm quyền tổng hợp hình phạt vì đây là Tòa án xét xử sau theo như hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/TTLN ngày 20/12/1991, quan điểm này cho rằng khái niệm thẩm quyền xét xử và thẩm quyền tổng hợp hình phạt là hai khái niệm khác nhau không đồng nhất.

 

Đối với trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án mà vượt quá thẩm quyền xét xử của Tòa án tổng hợp hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn vì vậy trong thực tiễn xét xử gặp rất nhiều khó khăn. Theo tôi vấn đề này cần giải quyết như sau:

Tòa án xét xử sau có thẩm quyền tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, trường hợp việc tổng hợp hình phạt của nhiều bản án mà vượt quá thẩm quyền xét xử của Tòa đó thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang xét xử sau đó chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp trên có thẩm quyền tổng hợp hình phạt.

Thiết nghĩ việc cần có văn bản hướng dẫn để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên của BLHS năm 2015 về vấn đề tổng hợp hình phạt của nhiều bản án là cần thiết.

Nên đọc
Theo Infonet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo