Toàn cảnh cuộc "đấu khẩu" thứ 2 giữa Donald Trump và Hillarry Clinton
Vào khoảng 8h sáng nay 10/10 theo giờ Việt Nam, ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa và bà Hillary Clinton của Đảng Dân chủ có cuộc tranh luận bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ hai.
Sau 90 phút căng thẳng vừa tranh luận vừa trả lời câu hỏi của cử tri tại hội trường Đại học Washington ở thành phố St. Louis của bang Missouri, hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đã kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai bằng một cái bắt tay khá gây bất ngờ bởi trước đó họ từ chối hành động chào xã giao này khi vừa chạm mặt.
Khác với cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra hôm 26/9 tại New York, cuộc tranh luận thứ hai diễn ra theo hình thức gặp gỡ cử tri, với chủ đề hoàn toàn mở. Rất nhiều khán giả đã theo dõi trực tiếp cuộc tranh luận này qua các kênh truyền hình Mỹ.
Cuộc tranh luận mở màn khá căng thẳng khi ông Trump và bà Clinton dành khá nhiều thời gian để công kích và phản bác lẫn nhau về việc cựu Ngoại trưởng Mỹ sử dụng hòm thư cá nhân để giải quyết công việc khi còn đương nhiệm. Ông Trump cáo buộc bà Clinton "dối trá" sau khi cho hủy hơn 30.000 bức thư mà đáng lẽ phải trao cho giới chức thực thi pháp luật, đồng thời bày tỏ thất vọng vì bà Clinton không bị truy tố hình sự. Đáp lại, bà Clinton nói bà rất "lấy làm tiếc" vì đã sử dụng dùng hòm thư cá nhân để giải quyết việc công, song khẳng định các thông tin mật đã được bà lưu trữ rất cẩn trọng.
Hai ứng cử viên cũng có những màn "đấu khẩu nảy lửa" về các vấn đề Syria, cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, lựa chọn ứng cử viên cho chức vụ thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ... Liên quan tới vấn đề Syria, bà Clinton khẳng định ủng hộ việc thiết lập các vùng an toàn ở Syria, đồng thời cam kết sẽ không triển khai lực lượng bộ binh Mỹ tại Syria vì cho rằng đây sẽ là "một sai lầm rất nghiêm trọng".
Khi được hỏi liệu bà có tiêu diệt IS theo một cách khác với Tổng thống Barack Obama hay không, bà Clinton cho rằng IS sẽ bị đẩy lùi khỏi lãnh thổ Iraq vào thời điểm bà giữ chức tổng thống. Tuy nhiên, bà khẳng định sẽ tập trung tiêu diệt thủ lĩnh của IS và cân nhắc vũ trang cho các tay súng người Kurd ở Iraq. Ông Trump cũng cho rằng Mỹ cần tập trung tiêu diệt tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, song không nên đứng về bên kia chiến tuyến với chính quyền Syria và Nga.
Trong phần trả lời câu hỏi của cử tri, cả hai ứng cử viên đều trả lời "có" khi được hỏi nếu đắc cử tổng thống Mỹ, liệu họ có cống hiến cho tất cả người dân Mỹ hay không. Về phần mình, ông Trump nhấn mạnh ông sẽ là "một tổng thống của tất cả người dân", đặc biệt nói đến cộng đồng người Mỹ gốc Phi, gốc Latinh và cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha, những người đang phải sống trong điều kiện nghèo khó ở những thành phố lớn.
Mặc dù có màn mở đầu khá căng thẳng, song hai ứng cử viên đã kết thúc cuộc tranh luận trong bầu không khí khá cởi mở khi trả lời câu hỏi của cử tri về những điều mà họ ngưỡng mộ ở nhau. Bà Clinton nói rằng bà tôn trọng những đứa trẻ nhà Trump, trong khi ông Trump khẳng định ông coi bà Clinton là một "chiến binh không bao giờ đầu hàng" cho dù ông không đồng tình lắm với những gì mà bà Clinton tranh đấu.
Cuộc tranh luận trực tiếp thứ ba và cũng là cuối cùng giữa bà Clinton và ông Trump dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19/10 tới tại Đại học Nevada ở thành phố Las Vegas.
Kết thúc buổi tranh luận, theo kết quả thăm dò của kênh CNN và hãng ORC, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton đã thắng trong cuộc tranh luận lần 2 với đối thủ của đảng Cộng hòa Donald Trump, với tỷ lệ lần lượt là 57% và 34%. Với câu hỏi về phát biểu của ông Trump, 63% trả lời rằng ứng cử viên này đã nói hay hơn là họ chờ đợi, trong khi 21% nhận định là kém hơn, còn 15% cho rằng ông Trump vẫn phát ngôn như trước.
Theo các nhà quan sát và các chuyên gia phân tích tại Mỹ, bà Clinton đã một lần nữa tỏ rõ ưu thế trước đối thủ của mình trong 90 phút tranh luận trực tiếp, song tổng thể cục diện cuộc đua vẫn chưa có bước chuyển đáng kể.
Theo giới phân tích, cuộc tranh luận lần này là một màn "đấu khẩu" quyết liệt và căng thẳng bậc nhất lịch sử khi hai bên liên tục tìm cách dồn ép đối thủ với những câu chỉ trích thẳng thừng, nhắm vào những nội dung vừa gai góc, vừa nhạy cảm, như lối ứng xử mẫu mực xứng đáng với vai trò lãnh đạo quốc gia.
Theo đánh giá, cuộc tranh luận lần hai với hình thức mở và không giới hạn chủ đề này sẽ giúp công chúng đánh giá tốt hơn về các ứng cử viên trong các vấn đề của quốc gia. Tuy nhiên, việc hai ứng cử viên quá tập trung công kích các vấn đề riêng tư của nhau khiến truyền thông Mỹ đưa ra những đánh giá tiêu cực về cuộc tranh luận lần này.
Bình luận viên Stephen Collinson của kênh CNN đã bày tỏ “Nền chính trị Mỹ đã thay đổi… Truyền thống thiêng liêng của một cuộc tranh luận, nơi các ứng cử viên tổng thống đưa ra tầm nhìn của mình cho tương lai quốc gia, đã trở thành một cái gì đó khiến người ta ớn lạnh”.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, chủ nhân mới của Nhà Trắng sẽ được xác định. Từ nay tới đó, cả bà Clinton và ông Trump vẫn còn cơ hội thể hiện mình trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ 3 cùng các chuyến vận động tranh cử ở nhiều bang quan trọng.
Các nhà bình luận cho rằng để có thể giành chiến thắng thuyết phục trong vòng đối mặt tới, đặc biệt là để thu hút lá phiếu của các cử tri còn do dự, các ứng cử viên cần đưa ra được những chính sách cụ thể hơn trong cả vấn đề đối nội và đối ngoại, thay vì chỉ tập trung công kích lẫn nhau.
End of content
Không có tin nào tiếp theo